Văn hoá đọc thúc đẩy giáo dục STEM

(Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Ban tổ chức Ngày hội STEM quốc gia 2018)

Văn hóa đọc mở đường cho giáo dục STEM đánh thức trí tuệ làng thời 4.0

Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, khán giả truyền hình cả nước đã khá bất ngờ khi chương trình thời sự Chào Buổi sáng của VTV1 đưa tin liên tiếp về thành tựu phát triển giáo dục STEM thông qua các sàn đấu robot của học sinh trường làng của các huyện Thái Thuỵ (Thái Bình), Thanh Chương (Nghệ An) và Nam Trực (Nam Định).

Đây là tín hiệu ban đầu đáng mừng trong việc thực hiện Chỉ thị 16 đầu năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, còn gọi là thời kỳ 4.0. Trong Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính Phủ đã giao cho ngành giáo dục thử triển khai giáo dục Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật-Toán học được tiếp cận theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế đời sống, gọi tắt theo chữ cái tiếng Anh là giáo dục STEM. Trong thời đại 4.0 này, giáo dục STEM là trụ cột quan trọng trong giáo dục của nhiều nước và triển khai giáo dục STEM luôn là một thách thức rất lớn đối với các nước nghèo, đặc biệt là đa số các nước đều tạm bó tay khi chưa có mô hình khả thi trong việc đưa giáo dục STEM tới vùng nông thôn trên quy mô nhiều huyện như Việt Nam. Điều đặc biệt nữa là các địa phương này làm giáo dục STEM một cách tự phát trong hoàn cảnh chưa được Bộ GD&ĐT tập huấn chuyên môn và nhà nước cấp ngân sách. Chỉ sau năm 2020, trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD mới chính thức đưa cách tiếp cận STEM này vào dạy ở nhiều môn học.

Văn hóa đọc và giáo dục STEM trường làng gắn bó với nhau

Vì sao các huyện Nam Trực, Thanh Chương và Thái Thuỵ lại làm được như vậy khi chỉ dựa vào mỗi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ về 4.0?

Câu trả lời rất đơn giản là cả 3 huyện này tuy ở 3 tỉnh khác nhau nhưng đều phát triển văn hoá đọc rất tốt trong trường học. Bài viết này cũng chỉ đưa ra các số liệu và một vài phân tích để minh hoạ cho nguyên lý Văn hoá đọc mở đường cho giáo dục STEM được phát triển trong các trường làng, nơi góp phần đào tạo khoảng 70% số học sinh tức là khoảng hơn 60% lực lượng lao động với gần 70% trí thức ở thành phố và 100% trí thức ở nông thôn trong tương lai.

Điểm cần nhấn mạnh là ở cả 3 huyện này đều có phong trào xây dựng "Tủ sách lớp học" do các em học sinh, phụ huynh học sinh và cựu học sinh nhiệt tình tham gia góp tiền mua sách và góp sách. Chính tinh thần khai trí của cả cộng đồng được nâng cao nhờ văn hoá đọc đi trước một bước đã mở đường thuận lợi cho việc triển khai giáo dục STEM phù hợp với điều kiện nghèo của trường làng theo 3 trụ cột chính:

  1. Giáo dục STEM theo các chủ đề của sách giáo khoa
  2. Giáo dục STEM theo cách dùng vật liệu tái chế
  3. Giáo dục STEM dùng robot và công nghệ cao

Lãnh đạo Nam Định tạo môi trường văn hóa đọc mở đường cho giáo dục STEM tới trường làng

Ngày 29/4/2016, UBND tỉnh Nam Định khai mạc Ngày Hội Sách tỉnh Nam Định lần thứ nhất với sự tham dự của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và các cựu học sinh về quê trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Trong dịp này lãnh đạo tỉnh Nam Định đã cho tổng kết quá trình các cựu học sinh của các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ đã cùng bảo nhau góp tiền mua gần 2 ngàn tủ sách để tặng cho từng lớp học theo Chương trình Sách hoá Nông thôn Nam Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạch Ngọc Chiến đã thay mặt lãnh đạo tỉnh phát động chính thức việc xây dựng Tủ sách lớp học trên quy mô toàn tỉnh với hơn 12 ngàn lớp học. Các ban ngành đoàn thể, Hội Khuyến học cùng các cựu học sinh và các nhà hảo tâm được kêu gọi chung tay giúp ngành Giáo dục tỉnh xoá tình trạng thiếu nghiêm trọng sách đọc thêm ngoài SGK, mục tiêu là tới năm 2019 tỉnh sẽ cơ bản khắc phục xong tình trạng này, có nghĩa là cả 12 ngàn lớp học sẽ có Tủ sách lớp học đi đôi với việc củng cố công tác thư viện và phát triển văn hoá đọc. Đến nay mục tiêu này cơ bản đã gần hoàn thành ở nhiều huyện xã, ví dụ như: dịp 20-11-2018 vừa qua huyện Nghĩa Hưng đã có đủ 780 tủ sách ở 100% lớp học sau 32 tháng các cựu học sinh phát động phong trào.

Cũng trong dịp Ngày Hội Sách 29/4/2016 này, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã mời Liên minh STEM và nhóm của TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) giảng bài giảng đại chúng về giáo dục STEM và phương pháp nghiên cứu khoa học cho gần 200 học sinh và giáo viên THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).

Nhờ việc khuyến đọc được đặc biệt chú ý, tinh thần khai trí của các cựu học sinh, hội đồng hương, của phụ huynh học sinh và ngành Giáo dục được nâng lên. Tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thúc đẩy văn hoá đọc bằng những việc cụ thể, nhu cầu đổi mới giáo dục tăng thêm một bước mới đã mở đường cho giáo dục STEM bước đầu đi vào nhận thức một số người.

Sau Ngày Hội Sách 2016 vài tháng, vào dịp Hè 2016, Hội đồng Anh và quỹ Newton phối hợp với Bộ GD&ĐT đã tiến hành đào tạo STEM cho một số giáo viên của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Tiếp sau đó vài tháng, được sự giúp đỡ của Liên minh STEM và ĐH Việt -Pháp, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3/2017, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã tự tổ chức Ngày hội STEM Gia đình lần thứ nhất với quy mô 1600 học sinh và hàng trăm phụ huynh học sinh cùng cựu học sinh tham dự, quy mô của ngày hội này không thua kém Ngày hội STEM quốc gia 2016 ở Hà Nội do Bộ KH&CN tổ chức nhằm tạo nhận thức giáo dục STEM cho thời 4.0. Trong Ngày hội STEM đầu tiên này của Nam Định, các học sinh và các phụ huynh học sinh được trải nghiệm nhiều dự án STEM, được lập trình robot, làm quen với máy in 3D, bắn tên lửa nước, xem các dự án nông nghiệp sạch, các dự án tối ưu hoá tủ sách.

Đầu tháng 5/2017, sau khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã quyết định tiến hành tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho tất cả các hiệu trưởng, các Phòng GD và giáo viên của các trường THCS chất lượng cao ở mỗi huyện, tổng cộng hơn 1000 người bằng kinh phí xã hội hoá chủ yếu do các cựu học sinh đóng góp trong khi nhà nước chưa có ngân sách cho việc này.

Ở Nam Định, huyện Nam Trực, quê hương của Trạng nguyên Nguyễn Hiền là huyện có truyền thống khuyến học và học giỏi. Phòng GD& ĐT Nam Trực đã đồng hành cùng các cựu học sinh làm khuyến đọc, xây dựng tủ sách cho các lớp học từ năm 2014 và trong quá trình đó trường tiểu học Nam Đồng do cô Lê Thị Hạnh khi đó là hiệu trưởng đã cho thử nghiệm giáo dục STEM dùng vật liệu tái chế với chi phí rất thấp gần như bằng không. Mô hình văn hoá đọc và câu lạc bộ STEM của trường Tiểu học Nam Đồng đã được một số trường ở Hà Nội và Hải Phòng tham khảo kinh nghiệm trong năm 2016.

Trong năm 2017, sau nhiều đợt tập huấn phổ cập STEM cho các hiệu trưởng hiệu phó, huyện Nam Trực đã mời nhóm TS Đặng Văn Sơn và Ths Hoàng Vân Đông tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho gần 500 lượt giáo viên và tiếp đó là 2 đợt tập huấn nâng cao chuyên môn dạy STEM theo 3 trụ cột chính: STEM dùng kiến thức SGK, STEM dùng vật liệu tái chế, STEM dùng robot và công nghệ cao.

Đến cuối năm học 2017-2018, ngày 2/6/2018 huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi "ĐÁNH THỨC TRÍ TUỆ LÀNG THỜI 4.0" với tham gia của tất cả 55 trường học trong huyện theo 3 trụ cột của giáo dục STEM nêu trên, trong đó Cuộc thi lập trình Robot của huyện lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia 16 trường làng. Điều làm cho các khách mời bất ngờ không chỉ là ở chỗ huyện Nam Trực đã có câu lạc bộ STEM ở tất cả các trường tiểu học và THCS, mà họ còn bị bất ngờ vì toàn huyện đã có khoảng 80 thầy cô giáo có thể hướng dẫn học sinh lập trình robot, một việc tưởng như bất khả thi ở trường làng trong điều kiện chưa có chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD & ĐT và không có ngân sách.

Vừa qua, trong dịp 20/11/2018, kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin 22 trường làng ở huyện Nam Trực đã tham gia cuộc thi lập trình robot lần thứ 2 do Phòng GD&ĐT tự tổ chức. Đây là một bước tiến lớn, một kinh nghiệm chuyên môn có giá trị trong việc thúc đẩy STEM ở nông thôn.

Ở Nam Định hiện nay cũng đã có một số huyện khác như Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu đã tổ chức được một số Ngày hội STEM cấp trường và một số câu lạc bộ robot trong trường học được vận hành.

Có được những kết quả về phát triển giáo dục STEM như trên ở Nam Định là do lãnh đạo UBND tỉnh đã quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ. Vào đầu năm học 2017-2018 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạch Ngọc Chiến đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyêrn góp tiền để đào tạo STEM cho giáo viên và để mua 60 con robot với giá 1,6 triệu đồng/robot, sau đó đem tặng cho cả 10 huyện, mỗi huyện 6 con robot.

Với mô hình chỉ cần 2 hoặc 3 con robot tức là chỉ cần khoảng 3tr đến 5tr đồng là có thể lập được phòng lab robot ở trường làng dùng phần mềm mở SCRATCH không mất phí bản quyền của Đại học MIT (Mỹ).

Như vậy trong việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ về tăng cường năng lực tiếp cận 4.0, Nam Định đã hoàn thành xong giai đoạn tạo nhận thức cho lãnh đạo toàn ngành giáo dục và các giáo viên chủ chốt, đồng thời Nam Định cũng đã thành công đưa STEM tới từng trường làng trên quy mô toàn huyện ở Nam Trực và một số trường học khác trong tỉnh.

Bài học ở đây là văn hoá đọc và thư viện tủ sách lớp học đã được quan tâm làm tốt trên quy mô cả tỉnh đã mở rộng đường cho giáo dục STEM tới các trường làng.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương cùng dân làm hơn 500 tủ sách và học STEM

Cuối tháng 11/2017, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội đã khai trương "Không gian Khám phá" với nhiều góc đọc sách và trải nghiệm STEM do UNESCO. Các chuyên gia của UNESCO và khách mời đặc biệt chú ý đến góc trưng bày các sản phẩm STEM sử dụng vật liệu tái chế của các trường học ở huyện miền núi Thanh Chương tỉnh Nghệ An, nơi có con đường Trường Sơn huyền thoại trên biên giới Việt - Lào chạy qua.

Các chuyên gia nước ngoài còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng cả 88 trường phổ thông ở cả ba cấp học của huyện Thanh Chương đều có Câu lạc bộ STEM với sự tham gia crủa hàng ngàn thầy cô giáo và học sinh. Các bạn nước ngoài đặt câu hỏi tại sao ở một huyện biên giới xa xôi như Thanh Chương lại phổ cập được giáo dục STEM để cho nhiều học sinh và giáo viên chạm tay vào cuộc cách mạng 4.0 vui vẻ đầy thú vị mà không e ngại?

Câu trả lời rất đơn giản là văn hoá đọc đã mở đường cho giáo dục STEM về tới làng.

Đầu năm 2017, UBND huyện Thanh Chương và Phòng GD&ĐT đã bàn bạc với các cựu học sinh và những người Thanh Chương xa quê thông qua Facebook kêu gọi tất cả các tấm lòng yêu quê và các nhà hảo tâm quyên góp được quỹ 1,2 tỷ đồng đợt 1 để mua hơn 500 tủ sách tặng cho hơn 500 lớp học. UBND huyện mở đường, Phòng GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn còn các cựu học sinh lo góp quỹ, mua sách công khai minh bạch và mang về quê để bàn giao cho các trường.

Trong quá trình bàn giao các tủ sách lớp học, các cựu học sinh Thanh Chương đã khuyên lãnh đạo huyện Thanh Chương mời Liên minh STEM giúp huyện tập huấn giáo dục STEM cho lãnh đạo huyện và giáo viên theo nhiều đợt và cấp độ.

Tham gia tập huấn phổ cập kiến thức về Cách mạng 4.0 và giáo dục STEM lần đầu có hơn 30 người gồm có một số lãnh đạo của UBND huyện, Huyện ủy, Phòng GD&ĐT và một số hiệu trưởng các trường THPT và THCS lớn trong 10 cụm (Thanh Chương với diện tích hơn 1000 km2, gấp 1,5 lần Singapore nên có tới 40 xã và được chia làm 10 cụm).

Sau 5 tiết học, trong đó có tiết học thực hành lập trình robot theo công nghệ KÉO - THẢ dùng phần mềm mở miễn phí bản quyền Scratch, ông Trình Nhã, Phó chủ tịch huyện đã nhận thấy STEM rất gần gũi thiết thực, dễ hiểu dễ tiếp cận và không cần chi phí đầu tư cao. Phát biểu bế mạc hội thảo, ông phó chủ tịch đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT lên kế hoạch để tập giáo viên theo nhiều đợt để phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho 100% giáo viên tất cả các môn học ở trong toàn huyện.

Sau đó vài tuần, huyện đã mời TS Đặng Văn Sơn cùng thầy Hoàng Vân Đông và 16 thầy cô giáo của Liên minh STEM về tập huấn cho gần 400 giáo viên và các hiệu trưởng của cả 88 trường, trong đó gần 300 giáo viên được tập huấn chuyên sâu hơn trong 15 tiết học nâng cao (chủ yếu là thực hành làm các sản phẩm theo bài học và thực hành viết giáo án) để bước đầu tiếp cận ba trụ cột của giáo dục STEM là:

  • STEM theo sách giáo khoa
  • STEM sử dụng vật liệu tái chế
  • STEM robot

Lần đầu tiên trong đời, các thầy cô được tự tay lập trình cho robot chạy theo ý của mình và thấy không có gì thật phức tạp, giá của robot dùng bo mạch mở Arduino và phần mềm mở SCRATCH (không phải trả bản quyền) chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, mỗi phòng lab robot chỉ cần 2-3 con robot là có thể mở CLB STEM robot.

Sau khi huyện tổ chức tập huấn quy mô như vậy thì mỗi trường có 3 người có thể dạy được STEM và các CLB STEM bắt đầu được thành lập, việc dạy học STEM trên diện rộng của toàn huyện đã được bắt đầu, đã có 100% giáo viên của toàn huyện tức là hơn 2500 thầy cô giáo được tập huấn phổ cập giáo dục STEM theo cách dùng vật liệu tái chế.

Đến nay huyện Thanh Chương đã kêu gọi sự giúp đỡ của các cựu học sinh, các nhà hảo tâm và sự tự nguyện đóng góp của các phụ huynh học sinh để thành lập được phòng lab robot ở 30/88 trường. Hiện nay ngoài robot, một số trường đã có thêm 15 máy in 3D và máy cắt CNC dùng laser, mỗi loại máy cũng chỉ có giá vài triệu đồng. Tất cả đều được mua mà không dùng đến ngân sách nhà nước.

Dưới đây là một số thành quả của huyện Thanh Chương:

  • Tháng 5/2018 các thầy cô huyện Thanh Chương "gây sốc" cho GS Hồ Tú Bảo khi thấy các trường làng Thanh Chương tham gia Ngày hội STEM quốc gia 2018 ở Hà Nội với máy in 3D, robot, lazercutter CNC và nhiều sản phẩm dạy học STEM bằng vật liệu tái chế. Đặc biệt là lần đầu tiên trong Ngày hội STEM quốc gia 2018 này các thầy cô huyện Thanh Chương đứng lớp dạy LẬP TRÌNH ROBOT cho học sinh Hà Nội trải nghiệm.
  • Một hình ảnh "mang tính cách mạng" làm GS Hồ Tú Bảo bị bất ngờ, công nghệ và STEM đã tới nhiều trường làng.
  • Ngày 16/6/2018: Huyện Thanh Chương tổ chức thi robot cấp huyện với 24 trường tham gia trong 2 ngày. Các trường làng ở Thanh Chương đã có các bài thi robot bơi độc đáo gây bất ngờ cho GS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch hội đồng thẩm định quốc gia chương trình giáo dục phổ thông 2020 của bộ môn tin học.
  • Ngày 4/11/2018: Thanh Chương gây bất ngờ cho cộng đồng yêu toán với sàn đấu robot bơi (dùng nước làm từ máy in 3D) trong Ngày hội Toán học mở 2018 cho học sinh Hà Nộitrải nghiệm.
  • 20/11/2018: Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều trường học ở huyện Thanh Chương đã đồng loạt tổ chức Ngày hội STEM cấp trường với nhiều sản phẩm của học sinh CLB STEM được làm từ các vật liệu tái chế.

Bài học thành công ở Thanh Chương cho thấy giáo dục STEM là khả thi ở tất cả mọi nơi của nước ta, Thanh Chương đầy khó khăn của miền núi, biên giới như vậy mà vẫn triển khai được văn hoá đọc, làm các tủ sách lớp học để mở đường cho giáo dục STEM về trường làng thành công.

Thay cho lời kết: Thái Thụy luôn tiên phong

Khi biết về quyết tâm, thực lực cũng như kết quả ban đầu của Thanh Chương (Nghệ An) và Nam Trực (Nam Định) như đã kể ở trên, nhiều người đặt câu hỏi là có huyện nào trong cả nước làm được như vậy hay không?

Câu trả lời là huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình, nơi đầu tiên triển khai thành công nguyên lý TỦ SÁCH LỚP HỌC MỞ ĐƯỜNG CHO GIÁO DỤC STEM từ năm 2014.

Từ năm 2012 tới nay, huyện Thái Thụy đã xây dựng được hơn một ngàn tủ sách trong từng lớp học ở cả 96 trường tiểu học và THCS ở 48 xã của huyện theo sáng kiến cùa Chương trình Sách hoá nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng.

Năm 2014, sau khi biết các thầy cô ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam triển khai CLB “Em yêu khoa học” dành cho khối 6-7 với chi phí gần như bằng không vì sử dụng vật liệu tái chế làm tên lửa nước, Phòng GD&ĐT Thái Thụy đã tổ chức cho cả 96 trường học tập kinh nghiêm này.

Kể từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, Thái Thụy đều tổ chức ngày hội STEM cấp huyện để tạo sân chơi cho cả 96 trường sôi nổi tham dự.

Hàng năm, huyện Thái Thụy luôn cử giáo viên và học sinh tham gia Ngày hội STEM ở Hà Nội để giao lưu học hỏi. Huyện cũng chủ động mời nhóm của TS Đặng Văn Sơn và thầy Hoàng Vân Đông đào tạo gần một ngàn lượt giáo viên theo các chuyên đề STEM ở các cấp độ khác nhau.

Năm 2018 ngày hội STEM của huyện Thái Thụy sẽ diễn ra trong hai ngày liền, trong đó có một ngày dành cho thi robot giữa 15 trường trong huyện, một ngày còn lại sẽ là sân của 96 trường có các sản phẩm sáng tạo và sản phẩm từ vật liệu tái chế.

Trong hồ sơ gửi UNESCO để đề cử trao giải UNESCO Literacy 2016 cho Chương trình Sách hoá Nông thôn Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đánh giá cao những nỗ lực làm tủ sách lớp học và triển khai giáo dục STEM trong toàn huyện Thái Thụy.

Đặc biệt, trong Ngày hội Toán học Mở 2018 ở Hà Nội, các học sinh và giáo viên Hà Nội đã rất thú vị khi được trải nghiệm lập trình robot mô phỏng "Xe tăng cắm Lá cờ chiến thắng 30-4" (Thái Thuỵ là quê của sỹ quan Bùi Quang Thận và chiến sỹ Tạ Quốc Luật, những người đã cắm Lá cờ chiến thắng ở Dinh Độc lập và Điện Biên Phủ) VTV Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin này trong Chương trình thời sự.

Trong Ngày hội Toán học Mở 2018 hôm 4/11/2018, PGS.TS Phan Thanh Bình,Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Văn hoá - Giáo dục & TTNNĐ của Quốc Hội đã ra tận nơi để thăm các sàn đấu robot của các trường và làng trường vùng cao ở các huyện như Thái Thuỵ, Thanh Chương và Lào Cai.

Điều làm PSG.TS Phan Thanh Bình tâm đắc chính là tâm sự của các thầy cô giáo và học sinh trường làng: Khi đã có một cộng đồng thích thú học STEM và lập trình robot, các giáo viên và học sinh trường làng được đánh thức tiềm năng và họ không hề thấy bị ngợp khi thấy ở gian bên cạnh có con robot to nặng 60kg thuộc loại đắt tiền và hiện đại của Câu lạc bộ Robot 6520 của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam từng tham gia cuộc thi robot lớn thế giới 2018 dành cho học sinh phổ thông.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ đã được hiện thực hoá ở hàng trăm trường làng ở nhiều huyện nhiều tỉnh khác nhau, những nơi biết dùng văn hoá đọc đi trước một bước để mở đường cho giáo dục STEM phát triển, đem theo cả robot và máy in 3D về trường làng cùng với sách đọc thêm.

Bài viết cùng danh mục