Giáo dục STEM tại Việt Nam, sau bao năm vẫn loanh quanh các định nghĩa.
Chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam được quản lý khá chặt chẽ, vì thế, với hầu hết các trường phổ thông công lập, việc dạy cái gì khác sách (trước đây) và khác khung chương trình (bây giờ) đều khiến thầy cô và nhà trường rất lo sợ. Chính vì thế câu hỏi thường trực của tất cả các thầy cô giáo là Giáo dục STEM là gì? tìm được câu trả lời đó thì các thầy cô mới yên tâm là mình không làm sai và không sợ bị cấp trên nhắc nhở. Tuy nhiên, điều trớ trêu là ngay cả những người đi kiểm tra cũng chưa chắc đã hiểu cặn kẽ xem giáo dục STEM là cái gì. Thế nên câu hỏi thưởng gặp của các thầy cô là em làm thế có đúng không, em làm này có đúng không.
Bài viết này sẽ ôn lại cho các thầy cô một chút câu hỏi STEM và giáo dục STEM là gì và làm thế nào.
Tại Việt Nam hiện nay có nhiều hơn 2 văn bản chính thức đưa ra định nghĩa về giáo dục STEM.
-
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định nghĩa: “Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể”
-
Công văn 3089 Bộ GD-GDTrH định nghĩa: "Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn."
Bản thân hai văn bản này của cùng một cấp quản lý cao nhất về giáo dục đưa ra đã có những điểm khác nhau về thuật ngữ PHƯƠNG THỨC và MÔ HÌNH. Cả hai văn bản đều nhắn mạnh yếu tố thực tiễn, giáo dục gắn với thực tiễn. Tuy nhiên, văn bản số 2 lại đề cập đến một loại hình giáo dục STEM là Giáo Dục STEM Trong Môn học? điều này đi ngược với định nghĩa trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là LIÊN MÔN. Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi bản thân giáo viên và các nhà quản lý vẫn còn loanh quanh với câu hỏi vậy Giáo dục STEM là gì?
Việc đưa ra quá nhiều định nghĩa, đôi khi, nhằm phức tạp hoá vấn đề để có lợi cho ai đó, nhưng hoàn toàn không có lợi cho các thầy cô giáo, những người trực tiếp triển khai giáo dục STEM tại các địa phương. Với bản tính phục tùng trong hệ thống công quyền của Việt Nam thì chẳng có gì ngạc nhiên khi các thầy cô luôn sợ mình làm sai. Vậy thì tóm lại, chúng ta cần hiểu giáo dục STEM là cái gì. Tôi đưa một số cách hiểu sau đây dựa trên các tài liệu gốc từ khi giáo dục STEM bắt đầu được đề cập tại Mỹ.
Trước khi nói đến STEM và giáo dục STEM cần phải có định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ:
- STEM: Science-Technology-Engineering-Mathematics thuật ngữ này bắt nguồn từ Mỹ những năm 1960 của thế kỉ trước với ý nghĩa chính thời đó là chính sách nhập cư, cho nhập cư nguồn nhân lực trong các ngành STEM (khoa học, kĩ thuật, công nghệ, toán) hoặc cho sinh viên các ngành này ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp (chính sách visa). Sau chính sách nhập cư, nước Mỹ đã ra hàng loạt các chính sách khác nhằm thúc đẩy, tăng số lượng/chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM bao gồm: đầu tư cho nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, giáo dục, thúc đẩy các hoạt động đầu tư khoa học kĩ thuật (STEM) từ tất cả các khối ngành. Như vậy STEM được hiểu là chính sách phát triển ở tầm quốc gia nhằm tăng cường lực lượng lao động, đầu tư, khởi nghiệp... trong các lĩnh vực STEM
- Giáo dục STEM là thuật ngữ ra đời sau, những năm 90 của thế kỉ trước. Giáo dục STEM trước hết là chính sách thúc đẩy giáo dục các môn khoa học (lý, hóa, sinh), công nghệ, tin học, kĩ thuật và toán học (Các môn STEM) với mục đích giúp học sinh “thich" học các ngành học STEM và theo đuổi các lĩnh vực STEM khi học xong phổ thông. Để làm được điều này thì các nhà giáo dục sẽ phải tìm nhiều cách, thông qua nhiều phương pháp giáo dục, nhiều hoạt động giáo dục để giúp việc học các môn STEM có tính hấp dẫn hơn. Như vậy giáo dục STEM không phải là một môn học riêng, cũng không phải phương pháp giáo dục riêng mà là một chính sách giáo dục. Từ thuật ngữ giáo dục STEM, các nhà giáo dục đưa ra nhiều phương pháp giáo dục để thúc đẩy giáo dục STEM.
- Ngành nghề STEM: hiện VN không có định nghĩa về ngành nghề STEM nhưng có chính sách và quy định về doanh nghiệp khoa học công nghệ. Còn ở Mỹ, hiện có quy định khoảng hơn 100 ngành nghề được gọi là ngành nghề STEM (Những ngành nghề sử dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán). Nhân lực trong các ngành nghề STEM sẽ có những ưu đãi trong một số chính sách.
- Chuyên gia STEM: là người có kiến thức, kĩ năng chuyên biệt làm trong các lĩnh vực STEM
- Chuyên gia giáo dục STEM: là người có kiến thức, kĩ năng chuyên biệt trong việc triển khai giáo dục STEM.
- Môn học STEM: Bao gồm nhiều môn học: khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán và có thể là các dự án tích hợp các môn học đó. Như vậy không có một môn học STEM nào, các môn học STEM hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam đều có chứ không phải không có, chỉ có điều hình thức/cách thức tổ chức chưa thực sự hấp dẫn.
Như vậy dạy học đơn môn thuộc các môn STEM (như định nghĩa ở trên) cũng là dạy môn STEM. Vì thế công văn 3089 của Bộ GD không có gì sai, tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với định nghĩa về giáo dục STEM tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Như vậy dạy 1 môn KHTN hay môn Vật lý, hoá học, sinh học ở phổ thông có phải dạy STEM không? Đó là môn STEM còn dạy STEM là dạy như thế nào thì hiện nay không có ai định nghĩa được nó cả, dạy các nào mà học sinh học được, tiếp thu được đều là dạy cả, mỗi cách dạy, phương pháp, kĩ thuật đều cần phải phù hợp với mục tiêu đầu ra của bài học, môn học. Có điều, cách dạy các môn khoa học ở Việt Nam khá truyền thống, nặng lý thuyết, ít thực hành, ít gắn với cuộc sống mà chủ yếu là TOÁN HỌC HOÁ các môn khoa học khiến cho việc học căng thẳng và nặng nề. Chính vì thế, trên thế giới cũng như Việt Nam đã tiếp cận nhiều cách dạy các môn khoa học hay các môn khác với nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau như: dạy học tìm tòi khám phá, dạy học phát triển năng lực, dạy học giải quyết vấn đề... với mong muốn để người học tạo ra kiến thức cho riêng mình (thuyết kiến tạo). Vì thế ĐỔI MỚI DẠY VÀ HỌC CÁC MÔN KHOA HỌC cũng là cách mà Giáo dục STEM có thể hướng tới và coi đó là cách thực hiện giáo dục STEM. Để dạy khoa học thì có nhiều cách, nhiều phương pháp, trong đó, quy trình khoa học là một trong các cách để học sinh tiếp cận khoa học chứ không phải là cách Duy Nhất để được coi dạy học đơn môn khoa học là giáo dục STEM. Vì thế đây là cái sai của công văn 3089 khi chỉ đua ra quy trình dạy học Khoa học theo phương pháp nghiên cứu khoa học và coi quy trình đó là giáo dục STEM cho môn khoa học. Thực tế trong môn khoa học (lý, hoá, sinh) có rất nhiều vấn đề lý thuyết không thể hoặc rất khó triển khai theo quy trình khoa học mà vẫn phải tiếp cận bằng nhiều cách khác.
Tại sao trong thực hiện giáo dục STEM học sinh hay phải làm các vấn đề kĩ thuật và công nghệ?
Hai vấn đề chữ E (kĩ thuật) và T(Công nghệ) trong chương trình giáo dục phổ thông của hầu hết các nước đều không được đề cao. Nếu hỏi học sinh cấp THPT có nhớ gì về môn công nghệ không thì khả năng 99 em trả lời không, vì thế không nhiều em biết đâu là cái điện trở trong mạch điện tử (có trong môn công nghệ cấp THPT) hay tại sao điện trong nhà là điện xoay chiều mà khi cắn bút thử điện vào thì lại chỉ có 1 bên sáng, 1 bên bút thử điện không sáng. Chính vì muốn áp dụng kiến thức vào cuộc sống nên các nhà giáo dục muốn đảnh mạnh chữ E và T vào trong giáo dục đặc biệt là tiếp cận giáo dục STEM, chính vì thế học sinh hay phải làm việc kĩ thuật khi thực hiện các chủ đề/dự án giáo dục STEM.
Vậy, dự án hay chủ đề STEM là gì?
Để học sinh hứng thú hơn với các môn học STEM (là các môn học truyền thống) các nhà giáo dục và từ thực tiễn mới nghĩ ra rằng các bài học cần có tính thực tiễn, có trải nghiệm để học sinh hứng thú hơn và vì thế, để làm được các bài học có tính thực tiễn thì cần có sự tích hợp nhiều môn trong đó có Toán và Khoa học là môn tạo kiến thức nền tảng, Công nghệ và Kĩ thuật giúp học sinh có thể tạo ra sự ứng dụng trong cuộc sống.
Giáo dục STEM có phải là một phương pháp giáo dục không?
Trong các văn bản chính thức cũng như các tài liệu phổ biến không có định nghĩa nào về Phương pháp giáo dục STEM. Chính vì thế mới có câu hỏi của một cô giáo trong hội nghị "Dạy học dự án có phải là dạy học STEM không". Căn cứ vào các định nghĩa ở trên thì rõ ràng, dạy học dự án là một cách tốt để thực hiện dạy học tích hợp STEM. Để đẩy mạnh giáo dục STEM thì các phương pháp, hình thức dạy học cần đa dạng, phong phú vì thế có thể áp dụng nhiều hình thức dạy học chứ không nhất quyết phải là hình thức nào. Vì thế không có MỘT phương pháp giáo dục STEM nào cả. Đây là một nhầm lẫn mà rất nhiều "chuyên gia dởm" khi đi tập huấn cho các thầy cô đều nhấn mạnh về Phương pháp giáo dục STEM, nhưng khi đưa ra các đặc điểm thì đó đều là các mô hình, phương pháp đã được áp dụng từ lâu cho việc dạy khoa học như mô hình 5Es hay dạy học khám phá, dạy học dự án.
Có chương trình giáo dục STEM không?
-
Chương trình nếu hiểu theo nghĩa là chương trình giáo dục (program) thì theo luật Việt Nam các trường không được tự ý đưa ra chương trình giáo dục phổ thông mà đều phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Trừ một số trường hợp đặc biệt như trường quốc tế (xịn). Như vậy không thể có Chương trình giáo dục STEM theo nghĩa này.
-
Chương trình nếu được hiểu là chương trình môn học (curriculum) thì học sinh Việt Nam bắt buộc phải hoàn thành các môn học trong chương trình quốc gia, ngoài ra các trường được phép xây dựng các môn học riêng có tính đặc trưng địa phương với thời lượng theo quy định. Như vậy khi học các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia thì học sinh đã có học các môn học STEM rồi. Nếu trong các môn học STEM đó như khoa học hay toán, công nghệ, các trường muốn bổ xung thêm các hoạt động như thực hiện dự án, dạy học tích hợp thì có thể bổ xung vào trong các môn học đó, hoặc trong chương trình giáo dục riêng của nhà trường. Như vậy nếu quảng cáo về một môn học STEM nào đó của nhà trường thì nên hiểu đó là các hoạt động giáo dục STEM tăng cường. Ngay cả việc dạy lập trình, robot cũng đều đã có trong chương trình phổ thông chung của môn tin học, vì thế các hoạt động dạy học robot hay lập trình nên được hiểu là các hoạt động tăng cường, nâng cao hơn so với chương trình quốc gia.