Giáo dục STEAM cho trẻ mầm non

Giáo dục STEAM là thuật ngữ được các trường mầm non tại Việt Nam dùng khá phổ biến trong thời gian gần đây, các khoá tập huấn giáo viên STEAM cho khối mầm non cũng được rất nhiều các đơn vị triển khai với nhiều cách khác nhau. Bài viết nhằm giúp giáo viên, phụ huynh học sinh có thể nuôi dưỡng và phát huy tính tò mà và sáng tạo của trẻ bằng cách đặt các câu hỏi và các trò chơi cùng trẻ.

STEAM là gì?

STEAM là viết tắt của các từ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Thiết kế kĩ thuật), Art (Nghệ thuật, nhân văn), Maths (Toán học). Chữ A được rất nhiều người hiểu ở nghĩa hẹp là nghệ thuật (mĩ thuật, âm nhạc, hội hoạ…) tuy nhiên, chữ A được hiểu ở nghĩa rộng hơn là các yêu tố liên quan đến xã hội, con người. Việc thêm chữ A vào thuật ngữ STEM giúp mềm mại hoá các chương trình STEM vốn nặng về kĩ thuật và STEAM đặc biệt dễ tiếp cận với các đối tượng học sinh nhỏ.

Hoạt động hàng ngày

STEAM không phải là việc trẻ học qua tranh ảnh, thẻ bài (flashcard) mà nó được thể hiện qua các hoạt động trải nghiệm hàng ngày của trẻ. Các hoạt động đặc trưng của STEAM mà trẻ trải nghiệm hàng ngày như: Khám phá hình khối, xây dựng toà nhà từ các hộp giấy, chơi trò đi siêu thị, rót nước, xếp hộp, xếp quần áo, vẽ tranh, tô màu… Đây là những hoạt động hàng ngày của trẻ mà đôi khi giáo viên không để ý đấy là các hoạt động STEAM.

Khi trẻ chơi, tức là chúng đang khám phá và hình thành kĩ năng. Khi trẻ tìm hiểu môi trường xung quanh tức là chúng đang trải nghiệm sự khám phá để hình thành các năng lực như: tìm hiểu và khám phá tự nhiên, giải quyết vấn đề.

Giáo viên và phụ huynh cần nuôi dưỡng, giúp trẻ phát triển các kĩ năng STEAM bằng cách tạo môi trường học tập cũng như cung cấp cho trẻ các vật liệu để hỗ trợ trẻ trong quá trình tìm tỏi khám phá và giải thích tự nhiên. Các hoạt động STEAM là các hoạt động có tính tương tác, khám phá nên trẻ cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát triển.

Khuyến khích sự tìm tòi và sáng tạo của trẻ bằng các câu hỏi và sự trợ giúp cần thiết

Một điều rất dễ nhận thấy ở Việt Nam từ cha mẹ học sinh là sự thiếu kiên nhẫn với các hoạt động của con đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo. Ngay cả đối với các hoạt động của nhà trường cũng vậy, các hoạt động hàng ngày của trẻ được chia theo các mốc thời gian nên đôi khi nhiều em chưa kịp trải nghiệm thì đã bị cắt sang hoạt động khác hoặc giáo viên sẽ giúp học sinh hoàn thành hoạt động một cách nhanh chóng để đi đến sản phẩm cuối cùng nhằm phục vụ cho các mục tiêu ngoài giáo dục. Bố mẹ thường rất hay giúp đỡ trẻ một cách quá sớm khi thời gian chờ của con vẫn còn rất dài, sự thiếu kiên nhẫn này cũng tạo nên sự thiếu kiên nhẫn cho trẻ, lâu dần hình thành tính cách của trẻ. Vậy với vai trò là phụ huynh và giáo viên, người lớn cần phải làm gì để khuyến khích sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo của trẻ?

Các câu hỏi giúp hình thành tư duy giải quyết vấn đề

Câu hỏi giúp trẻ nhìn nhận lại quá trình chúng trải nghiệm, không nhất thiết các hoạt động của trẻ đều phải thành công, các câu hỏi giúp trẻ nhận ra việc chúng làm và giải quyết các vấn đề phát sinh. Các câu hỏi giúp trẻ hình thành tư duy giải quyết vấn đề có thể là:

  • Con đang làm gì vậy?
  • Con nhận thấy điều gì?
  • Con đã thử cách nào rồi?
  • Điều gì đã xảy ra?
  • Con muốn làm gì tiếp theo?
  • Con muốn thử cách nào khác?
  • Con nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra nếu…?
  • Nếu thử lại con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?

Các câu hỏi giúp hình thành tư duy toán học

Các hoạt động và ngôn ngữ hàng ngày có thể giúp trẻ hình thành tư duy toán học, ví dụ như:

  • Cái nào to hơn/nhỏ hơn/nặng hơn…?
  • Có bao nhiêu cái?
  • Cái nào nhỏ hơn/nhỏ nhất?

Các hoạt động và ngôn ngữ toán học được hình thành trong quá trình sinh hoạt của trẻ chứ không nhất thiết phải trong giờ học toán. Ví dụ khi  cắt bánh, giáo viên có thể hỏi trẻ có bao nhiêu miếng bánh, hay mỗi miếng có hình gì…. Hay khi trẻ chơi người lớn có thể hỏi trẻ bạn nào nhanh hơn, bạn nào chậm nhất…

Nuôi dưỡng sự sáng tạo

Mỗi đứa trẻ là một nhà khoa học, cởi mở và sáng tạo là bản chất của trẻ, nuôi dưỡng các tố chất đó như thế nào là vấn đề mà người lớn cần phải quan tâm. Sự hỗ trợ của người lớn là rất quan trọng giúp trẻ nuôi dưỡng tính sáng tạo. Hãy giúp trẻ khám phá thay vì phán xét bằng cách đặt các câu hỏi như:

  • Hãy nói cho cô biết con đang làm việc gì.
  • Con tạo ra các âm thanh rất hay từ…
  • Nói cho cô biết về bức tranh của con.
  • Cô thấy con sử dụng rất nhiều màu sắc cho bức tranh này.

Những câu hỏi, gợi ý đó giúp tránh các câu hỏi/lời nói mang tính phát xét hay giả định về sản phẩm của trẻ. Trả lời các câu hỏi của trẻ bằng các câu có tính chất mở cũng giúp trẻ rèn luyện thói quen giao tiếp thông qua các ý tưởng của chúng và sử dụng các cấu trúc mô tả.

Câu hỏi mang tính quy trình

Ngoài ra các câu hỏi mang tính quy trình khoa học hoặc toán cũng giúp trẻ phát huy tính sáng tạo như:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu ta trộn 2 màu này với nhau?
  • Làm thế nào để tạo ra một hình (vuông, tròn…) từ đất nặn?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu con lắc tay mạnh hơn (khi trẻ đang chơi các đồ cầm trên tay)?
  • Làm sao để nó có thể đứng được?

Lưu ý khi tổ chức các hoạt động STEAM

  • Sử dụng vật liệu kích thích xúc giác: các vật liệu có bề mặt, màu sắc, mùi vị, âm thanh, kích thước… khác nhau. Nên sử dụng các vật liệu trẻ có thể nến được như thức ăn, hoa quả, thực phẩm. Khuyến khích trẻ sử dụng các màu sắc khác nhau để tạo nên các tác phẩm của riêng mình mà không phải làm giống hình mẫu.
  • Thiết kế các hoạt động để có thể hỏi trẻ được các câu hỏi như ở phần 3 như về số đếm, đo đạc, cân nặng, thứ tự….
  • Tổ chức các trò chơi có tính chu kì, âm điệu, có sự sắp xếp, chuyển động…
  • Nói về STEAM trong tất cả các hoạt động hàng ngày, hãy có gắng tích hợp các câu hỏi liên quan đến toán, khoa học kĩ thuật để rèn luyện thói quen quan sát và khám phá ở trẻ.
  • Khám phá thế giới bên ngoài lớp học: Lập kế hoạch ra ngoài lớp học thường xuyên, tổ chức các hoạt động bên ngoài lớp học với các câu hỏi như ở phần 3
  • Đọc sách: Văn hóa đọc có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển STEM/STEAM cho trẻ. Đọc các sách về khoa học và giả tưởng giúp trẻ và cả người lớn có thêm kiến thức để có thể trao đổi với nhau
  • Đặt lịch cho các hoạt động mở và sẵn sàng thêm thời gian: Khi trẻ được khám phá, chúng cần rất nhiều thời gian để chơi, vì thế khi tổ chức hoạt động, cần lưu ý sẵn sàng có khoản thời gian thêm cho chúng khám phá.
  • Sử dụng các câu hỏi theo chu trình:
    • Con nhìn thấy gì?
    • Con nghe thấy gì?
    • Nó có mùi/âm thanh thế nào?
    • Chúng giống nhau/khác nhau ở điểm nào?
    • Điều gì xảy ra khi con làm việc này…?
    • Con tò mò nhất điều gì?
  • Sử dụng các câu hỏi mở:
    • Con tò mò về điều gì?
    • Con muốn biết điều gì?
    • Con có nghĩ rằng… Nếu cô…?
  • Phán đoán:
    • Con nghĩ sao nếu cô...?
    • Con dự đoán điều gì sảy ra?
    • Tại sao con nghĩ vậy?
    • Làm sao mình biết...?
  • Khám phá/thí nghiệm:
    • Hãy cùng tìm hiểu nhé.
    • Con thấy gì?
    • Cái gì đang thay đổi?
    • Con đã làm như thế nào?
    • Vẽ lại những điều con làm/thấy.
  • Thảo luận:
    • Con đã dự đoán thế nào?
    • Điều gì đã xảy ra?
    • Điều gì con nhận thấy?
    • Tại sao con nghĩ nó lại như vậy?
    • Chúng ta nên làm gì tiếp theo?
Bài viết cùng danh mục