Tư duy là gì, dạy học phát triển tư duy là dạy gì?
Tư duy là gì?
Khái niệm tư duy
Trong thực tiễn cuộc sống, có rất nhiều cái mà ta chưa biết, chưa hiểu. Song để làm chủ được thực tiễn con người cần phải hiểu thấu đáo những cái chưa biết đó, phải vạch ra cái bản chất, mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật của chúng - quá trình đó gọi là tư duy.
Tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính, bản chất, những mối liên hệ và qua hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.
Quá trình tư duy bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi cá nhân gặp những tình huống có vấn đề và nhận thức được vấn đề, đến khi vấn đề đó được giải quyết. Đó là các giai đoạn: xác định vấn đề và biểu đạt, xuất hiện các liên tưởng, sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết, kiểm tra giả thuyết, giải quyết nhiệm vụ tư duy.
Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác. Khác với cảm giác, tri giác tư duy phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng. Quá trình phản ánh này mang tính gián tiếp và khái quát nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn từ sự nhận thức cảm tính nhưng vượt xa giới hạn của nhận thức cảm tính.
Tư duy có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thực tiễn cũng như đối với hoạt động nhận thức của con người. Tư duy giúp con người nhận thức được quy luật khách quan từ đó có thể dự kiến một cách khoa học xu hướng phát triển của sự vật, hiện tượng và có kế hoạch biện pháp cải tạo hiện thực khách quan. Bên cạnh đó, tư duy không chỉ giúp con người trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra mà còn giúp con người lĩnh hội được nền văn hóa xã hội để hình thành phát triển nhân cách của mình đóng góp những kết quả hoạt động của mình vào kho tàng văn hóa xã hội của loài người.
Đặc điểm của tư duy
Thuộc mức độ nhận thức cao – nhận thức lý tính tư duy có những đặc điểm mới về chất so với cảm giác, tri giác. Tư duy có những đặc điểm cơ bản sau: tính có vấn đề, tính gián tiếp, tính trừu tượng và tính khái quát hóa, tư duy gắn liền với ngôn ngữ, tư duy liên hệ với nhận thức cảm tính.
Tính “có vấn đề” của tư duy
Không phải bất cứ hoàn cảnh nào tư duy cũng xuất hiện. Trên thực tế, tư duy chỉ nảy sinh khi chúng ta gặp tình huống “có vấn đề”. Tình huống có vấn đề là tình huống chưa có đáp số, nhưng đáp số đã tiềm ẩn bên trong, tình huống chứa điều kiện giúp ta tìm ra đáp số đó. Nhưng không phải tình huống có vấn đề nào cũng kích thích được hoạt động tư duy. Muốn kích thích ta tư duy thì tình huống có vấn đề phải được cá nhân nhận thức đầy đủ, được trở thành nhiệm vụ tư duy của cá nhân. Nghĩa là cá nhân xác định được cái gì đã biết, đã cho vào cái gì chưa biết, cần phải tìm và có nhu cầu tìm kiếm nó. Chỉ có trên cơ sở đó tư duy mới xuất hiện. Tính “có vấn đề” của tư duy là tính chất cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình tư duy. Không có hoàn cảnh có vấn đề quá trình tư duy không thể hình thành và phát triển được.
Tính gián tiếp của tư duy
Ở mức độ nhận thức cảm tính con người phản ánh trực tiếp sự vật hiện tượng bằng giác quan của mình, trên cơ sở đó ta có hình ảnh cảm tính về sự vật hiện tượng. Đến tư duy con người không nhận thức thế giới một cách trực tiếp mà có khả năng nhận thức nó một cách gián tiếp.
Tính gián tiếp của tư duy thể hiện trước hết ở việc con người sử dụng ngôn ngữ để tư duy. Khi tư duy chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ để thể hiện những tư duy của mình, con người tư duy bằng não vì thế những gì ta tư duy không thể thể hiện ra bên ngoài cũng như người khác không thể nhìn thấy được. Nhờ có ngôn ngữ mà con người sử dụng các kết quả nhận thức (quy tắc, công thức, khái niệm…) vào quá trình tư duy (phân tích - tổng hợp, so sánh…) để nhận thức được cái bên trong bản chất của sự vật hiện tượng. Vì vậy ngôn ngữ là một phương tiện nhận thức đặc thù của con người. Ví dụ: để giải một bài toán thì trước hết học sinh phải biết được yêu cầu, nhiệm vụ của bài toán, nhớ lại các công thức định lí…có liên quan để giải bài toán. Ta thấy rõ trong quá trình giải bài toán đó con người đã dùng ngôn ngữ thể hiện các quy tắc định lí, ngoài ra còn có cả kinh nghiệm của bản thân chủ thể thông qua giải các bài tập trước đó.
Tính gián tiếp của tư duy còn được thể hiện ở chỗ, trong quá trình tư duy con người sử dụng các phương tiện công cụ khác nhau để nhận thức sự vật, hiện tượng mà không thể trực tiếp tri giác. Ví dụ muốn biết nhiệt độ của nước, chúng ta có thể dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ, sở dĩ có thể nhận thức được gián tiếp vì giữa các sự vật hiện tượng mang tính quy luật.
Nhờ có tính gián tiếp mà tư duy của con người đã mở rộng không giới hạn những khả năng nhận thức của con người, con người không chỉ phản ánh những gì xảy ra trong hiện tại mà còn phản ánh cả quá khứ và tương lai. Ví dụ: những dữ liệu thiên văn, con người nghiên cứu con người có thể dự báo được thời tiết, tránh được những thiên tai.
Tính trừu tượng và khái quát của tư duy
Khác với nhận thức cảm tính, tư duy không phản ánh hiện tượng một cách cụ thể riêng lẻ. Tư duy có khả năng trừu xuất khỏi sự vật hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt cụ thể, chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất chung cho nhiều sự vật hiện tượng. Trên cơ sở đó mà khái quát những sự vật hiện tượng riêng lẻ nhưng chúng có những thuộc tính bản chất chung thành một nhóm một loại, một phạm trù. Nói cách khác tư duy mang tính trừu tượng và khái quát.
Trừu tượng hóa là quá trình con người sử dụng trí óc để gạt bỏ những mặt, những thuộc tính, những liên hệ, quan hệ thứ yếu không cần thiết và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để tư duy. Vi dụ: khi người ta nghĩ tới “cái ghế” là một cái ghế nói chung chứ không chỉ nghĩ đến cụ thể là cái ghế đó to hay nhỏ làm bằng gỗ hay song mây…
Khái quát hóa là quá trình con người dùng trí óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau có chung thuộc tính liên hệ, quan hệ nhất định thành một nhóm một loại. Ví dụ: khái quát gộp những đồ vật có thuộc tính: giấy có nhiều chữ, có nội dung, có tên tác giả, có giá bìa, có màu sắc… tất cả xếp chung vào nhóm sách.
Nhờ có tính trừu tượng và khái quát của tư duy con người không chỉ giải quyết được những nhiệm vụ hiện tại mà có thể giải quyết được những nhiệm vụ của tương lai. Nhờ có tính khái quát, tư duy trong khi giải quyết nhiệm vụ cụ thể vẫn có thể xếp nó vào một nhóm, một loại, một phạm trù để có những quy tắc phương pháp giải quyết tương tự.
Tư duy gắn liền với ngôn ngữ
Sở dĩ tư duy mang tính “có vấn đề”, tính gián tiếp, tính trừu tượng và khái quát vì nó gắn chặt với ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không có ngôn ngữ các quá trình tư duy của con người không diễn ra được đồng thời sản phẩm của tư duy cũng không được người khác tiếp nhận. Tư duy gắn liền với ngôn ngữ, đây còn là một đặc điểm khác biệt giữa tâm lí người và tâm lí động vật. Tâm lí hành động bao giờ cũng dừng lại ở tư duy hành động trực quan, không có khả năng vượt qua khỏi phạm vi đó.
Mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là mối liên hệ biện chứng. Tư duy không thể tồn tại dưới bất kì hình thức nào khác ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ cố định lại các kết quả của tư duy, là vỏ vật chất của tư duy và là phương tiện biểu đạt kết quả của tư duy, do đó có thể khách quan hóa kết quả của tư duy người khác cũng như cho chính bản thân chủ thể tư duy. Và ngược lại, bất kì ý nghĩ, tư tưởng nào cũng đều nẩy sinh phát triển gắn liền với ngôn ngữ. Nếu không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là sản phẩm của chuỗi âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên ngôn ngữ không phải là tư duy, ngôn ngữ chỉ là phương tiện của tư duy. Đó là mối liên hệ giữa nội dung và hình thức. Ví dụ như trong quá trình tư duy giải bài tập toán thì phải sử dụng các công thức, kí hiệu, khái niệm được biểu hiện dưới dạng ngôn ngữ, nếu không có ngôn ngữ thì chính bản thân người đang tư duy cũng không thể giải được bài tập.
Tư duy gắn liền với hoạt động nhận thức cảm tính
Mặc dù ở mức độ nhận thức cao hơn (phản ánh cái bản chất bên trong, mối liên hệ có tính quy luật), nhưng tư duy phải dựa vào nhận thức cảm tính tức là cảm giác, tri giác và biểu tượng. Hoạt động nhận thức cảm tính là “cửa ngõ”, là kênh duy nhất, qua đó tư duy liên hệ với bên ngoài. Tư duy thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh tình huống ”có vấn đề”. Nhận thức cảm tính là một khâu của mối liên hệ trực tiếp giữa tư duy và hiện thực, là cơ sở, chất liệu của những khái quát theo một nhóm, lớp, phạm trù mang tính quy luật trong quá trình tư duy. X.L.Rubistenin nhà tâm lí học Xô Viết đã viết: “Nội dung cảm tính bao giờ cũng có trong tư duy trừu tượng, tựa hồ như làm chỗ dựa cho tư duy”(1)
Ngược lại, tư duy và những kết quả của nó ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối khả năng, phản ánh nhận thức cảm tính lựa chọn, tính ý nghĩa, làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy cảm hơn và làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa. Tư duy nói riêng và nhận thức lý tính nói chung nhờ có tính khái quát cao hiểu được bản chất nên đóng vai trò định hướng, chi phối cho nhận thức cảm tính có thể phản ánh được sâu sắc, tinh vi, nhạy bén và chính xác hơn. Nhận thức cảm tính tự nó không thể biết cái gì cần, cái gì không cần nhận thức. Tư duy chính là kim chỉ nam định hướng cho nhận thức cảm tính cần tập trung vào sự vật, hiện tượng nào, từ đó đạt đến cái đích đúng theo định hướng, như vậy nhận thức cảm tính mới sâu sắc và chính xác được. Chính vì lẽ đó, F.Engels đã viết: “nhập vào với con mắt của chúng ta chẳng những có cảm giác khác mà còn có hoạt động của tư duy ta nữa”.
Như vậy, tư duy trước hết là sự phản ánh ở trình độ cao bằng con đường khái quát hoá, hướng sâu vào nhận thức bản chất, quy luật của đối tượng. Phản ánh ở đây hiểu theo quan niệm của chủ nghĩa Mác là phản ánh biện chứng, "là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, giữa hoạt động tư duy và hoạt động thực tiễn, như là một quá trình trong đó con người không thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, mà tác động tới nó, cải tạo nó và bắt nó phải phục tùng những mục đích của mình"(2). Đó là phản ánh tâm lý, là sự phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính, các mối quan hệ, liên hệ bản chất, quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan(3). Theo V.I. Lê nin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, trung thành hơn, đầy đủ hơn, đi sâu một cách vô hạn, tiến gần đến chân lý khách quan hơn. "Tư duy của người ta - đi sâu một cách vô hạn, từ giả tưởng tới bản chất, từ bản chất cấp một, nếu có thể như vậy, đến bản chất cấp hai... đến vô hạn"(4)
Tư duy là quá trình sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần. Theo C. Mác thì cái tinh thần (ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu đó chính là tư duy) chẳng qua là cái vật chất được chuyển vào trong đầu và được cải tạo lại ở trong đó(7). Tư duy còn là quá trình tiến tới cái mới, đề xuất những nhận thức mới, là quá trình không ngừng bổ sung và đổi mới. Quy luật của tư duy thực chất là quy luật của sự phát triển và tìm tòi cái mới. Vấn đề này được Rubinstêin cho rằng: Trong quá trình tư duy, khách thể được tất cả nội dung mới, cứ mỗi lần lật đi, lật lại, nó lại được bộc lộ một khía cạnh mới, tất cả các tính chất mới của nó được làm rõ. Một số tác giả khác lại cho rằng, trong quá trình lập luận, tư duy đạt được những cứ liệu ngày càng mới, vượt ra ngoài phạm vi các điều kiện ban đầu và khi sử dụng các điều kiện này, tư duy đi đến những kết luận ngày càng mới, nhờ chủ đưa các đối tượng ở vị trí ban đầu vào trong các mối liên hệ mới. Mỗi lần như vậy, tư duy tựa như lật ra một khía cạnh mới, phát hiện và rút ra hết được các thuộc tính và quan hệ mới của chúng(8).
Như chúng ta đã biết, nét đặc trưng chung nhất trong phương thức tồn tại của tâm lý người là tư duy với tư cách là một quá trình, một hoạt động. Tư duy với tư cách là một quá trình được xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của M. Xêtrênôv. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Xêtrênôv đã đưa ra luận điểm "cần phải lấy tư tưởng cho rằng hành động tâm lý là một quá trình, một sự vận động tâm lý có mở đầu nào đó, có diễn biến và kết thúc"(9). Từ đây, chúng ta có thể hiểu tư duy được phân chia thành các khâu, các hoạt động. Mà trong các khâu này, mỗi một hành động tư duy sẽ làm biến đổi mối quan hệ của chủ thể với khách thể, kích thích sự diễn biến của tình huống có vấn đề đều kích thích sự chuyển biến tiếp theo của quá trình tư duy.
Khởi đầu của tư duy
Theo X. L. Rubinstêin, tư duy thường bắt đầu từ một vấn đề hay một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên, sự thắc mắc, sự hoài nghi hay từ một mâu thuẫn nào đó lôi cuốn cá nhân vào hoạt động tư duy. Những vấn đề đó được ông gọi là tình huống có vấn đề.
Tư duy thường bắt đầu từ một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên, sự thắc mắc, sự hoài nghi hay từ một mâu thuẫn
Từ sự hoài nghi
Những tiến bộ của văn minh đều ra đời từ sự phát hiện chân lý trong quá trình nghiên cứu mọi sự vật tự nhiên xung quanh ta. Nguyên nhân phát triển của nền văn minh phương Tây thường xuất phát từ tinh thần hoài nghi.
Galileo tìm ra thuyết Nhật tâm [trái đất quay quanh mặt trời] vì nghi ngờ thuyết Địa tâm [mặt trời quay quanh trái đất]. Descartes phát minh ra hệ trục tọa độ và một ngành hình học mới - Hình học giải tích vì nghi ngờ tính xác thực của hình học Euclid. Lobasepsky phát minh ra một ngành hình học mới phi-Euclid (hình học Lobasepsky) vì nghi ngờ tính xác thực của tiên đề thứ 5 của Euclid.
Tất cả đều đạt tới chân lý xuất phát từ sự hoài nghi trước các hiện tượng, sự vật.
Và không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của khoa học xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi chế độ chiếm hữu nô lệ, nên đã đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ. Và về sau, Thomas Clark đã chấm dứt thảm cảnh này. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đã thực hiện cải cách tôn giáo. Nhân dân Pháp vì căm giận sự bạo ngược của tầng lớp quý tộc nên đã làm cuộc cách mạng Pháp. Nhân dân mười ba bang Hoa Kỳ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập vì hoài nghi những luật lệ của Anh Quốc. Chưa hết, người Nhật Bản thường nghĩ rằng đàn ông làm việc ngoài xã hội, còn đàn bà trông nom nhà cửa, cơm nước trong nhà. Nhưng J. S. Mill đã viết bài “Giải phóng phụ nữ” để xóa bỏ tập quán này. Nước Anh với học thuyết mậu dịch tự do được cả giới kinh tế trên toàn cầu thừa nhận. Nhưng tại Hoa Kỳ, các học giả lại chủ trương học thuyết bảo hộ mậu dịch, thể hiện lập trường coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Tại phương Tây, cứ một học thuyết ra đời thì lại có học thuyết mới phản biện lại. Những cuộc tranh luận với các ý kiến, học thuyết khác nhau diễn ra liên tục không ngừng.
Từ sự ngạc nhiên, thắc mắc
Newton tìm ra quy luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát trái táo rơi. Ông đặt ra câu hỏi: tại sao trái táo lại rơi xuống đất mà không rơi ngược lại là lên trời? Watt phát minh ra máy hơi nước do để ý tới hơi khói bốc ra từ phích nước.
Tài liệu tham khảo
- X. L. Rubinstêin, Cơ sở tâm lý học đại cương, NXB Piter, Mátxcơva, 2002.
- Từ điển Triết học, NXB Mátxcơva, 1975, tr. 430.
- Đại học Quốc gia Hà Nội, Tâm lý học đại cương, NXB Giáo dục, 1996, tr.17.
- V.I. Lênin, Bút ký triết học, NXB Sự thật, Hà Nội, 1977.
- M.N. Sacđacôv, Tư duy của học sinh, NXB Giáo dục, H., 1970, tr.43.
- M.N. Sacđacôv, Tư duy của học sinh, NXB Giáo dục, H., 1970, tr.43.
- V.V. Đavưđôv, Các dạng khái quát hoá trong dạy học, NXB ĐHQG, H.,2000, tr.234, 244.
- C. Mác, Tư bản, NXB Sự thật, H., 1971, tập 1, tr.33.
- Tâm lý học Liên Xô, NXB Tiến bộ, M., 1978, tr. 282, 275.
(còn nữa)