Thực trạng giáo dục STEM tại Việt Nam

Thực trạng giáo dục STEM tại Việt Nam

Khác với các nước phát triển như Mỹ, giáo dục STEM du nhập vào Việt Nam không phải bắt nguồn từ các nghiên cứu khoa học giáo dục hay từ chính sách vĩ mô về nguồn nhân lực mà bắt nguồn từ các cuộc thi Robot dành cho học sinh phổ thông do các công ty công nghệ tại Việt Nam triển khai cùng với các tổ chức nước ngoài. Ví dụ cuộc thi Robotics của công ty DTT Eduspec được tổ chức từ những năm 2012 (STEM, 2012) tới nay, cùng với đó là những hội thảo chính thức do công ty DTT Eduspec tổ chức với định hướng giáo dục STEM tập trung vào các môn học mới như robot, khoa học dữ liệu. Từ đó đến nay giáo dục STEM đã bắt đầu có sự lan toả với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cách thức thực hiện khác nhau, nhiều tổ chức hỗ trợ khác nhau.

Hệ thống các công ty giáo dục tư nhân Việt Nam đã rất nhanh nhạy đưa giáo dục STEM, mà chủ yếu là các hoạt động Robot vào giảng dạy tại các trường phổ thông tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… bằng hình thức xã hội hoá. Tuy nhiên, khu vực nông thôn hiện nay chưa thể tiếp cận với các hoạt động liên quan đến robot vì chi phí mua robot của nước ngoài rất đắt đỏ, vậy nên tại các vùng nông thôn hiện nay đã có một số giải pháp khác đươc đưa ra do Liên minh các công ty giáo dục STEM tại Hà Nội đưa ra như: Học viện Sáng tạo S3, Kidscode STEM…

Như vậy, giáo dục STEM hiện nay tại Việt Nam hầu hết là cuộc chơi của các công ty tư nhân tại các thành phố lớn và một số hoạt động phong trào tại nhiều địa phương. Với các hoạt động phong trào có thể kể đến:

Ngày hội STEM

Ngày hội STEM là sáng kiến của Liên minh STEM do các công ty: Học viện Sáng tạo S3, Trung tâm toán Pomath, Học viện STEM cùng tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học Công nghệ. Ngày hội STEM đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 2015 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cho đến nay, Ngày hội STEM đều duy trì hàng năm vào dịp xung quanh ngày 18 tháng 5 hàng năm nhân kỉ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam. Một trong những ý nghĩa quan trọng của Ngày hội STEM đối với giáo dục STEM chính là yếu tố truyền thông cộng đồng, kết nối xã hội, kết nối Hệ sinh thái giáo dục STEM tại Việt Nam.

Sự thành công của chuỗi Ngày hội STEM cho đến nay không phải là việc có bao nhiêu em học sinh tham dự mỗi năm, có bao nhiêu công ty, trường học tham gia, mà sự thành công của Ngày hội STEM quốc gia đó chính là tính lan toả của tinh thần giáo dục STEM tới khắp các trường học trên cả nước. Cho đến nay, đã có hàng trăm Ngày hội STEM được tổ chức tại chính các trường phổ thông và các cấp giáo dục cao hơn như: Phòng giáo dục, Sở giáo dục. Từ tinh thần của Ngày hội STEM cùng với sự vận động, hỗ trợ không ngừng nghỉ của các thành viên trong “Liên minh STEM”, phong trào giáo dục STEM đã lan toả đến các vùng miền từ miền núi, biên giới như Hà Giang, Nghệ An, tơi các vùng đồng bằng ven biển như Hải Phòng, Hạ Long… bằng các hoạt động cụ thể. Trong các địa phương đi đầu và tiên phong với các hoạt động phong trào và các Ngày hội STEM phải kể đến huyện Thanh Chương – Nghệ An, nơi có 88 CLB STEM tại các cấp học với 100% giáo viên phụ trách các CLB STEM đã được tập huấn chuyên môn về Robot và tích hợp STEM theo chủ đề. Khác với mô hình CLB tại các thành phố lớn, nơi giáo viên của các công ty giáo dục STEM vận hành và duy trì hoạt động của CLB STEM, tại các vùng nông thôn, hoạt động của các CLB STEM do chính giáo viên của nhà trường tổ chức và vận hành với sự đào tạo, chuyển giao chương trình của Học viện Sáng tạo S3 do TS. Đặng Văn Sơn sáng lập và Học viện Kidscode STEM do ThS. Hoàng Vân Đông sáng lập. Thanh Chương cũng là nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức cuộc thi Robot bơi cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong Ngày hội STEM năm 2018 tại địa phương. Cùng với đó còn có các huyện khác như Nam Trực – Nam Định, Thái Thuỵ - Thái Bình, đều là nhưng huyện có các CLB STEM ngoài giờ học hoạt động rất tích cực, làm tiền đề để các trường và Phòng giáo dục tổ chức các Ngày hội STEM cấp trường và cấp Huyện hàng năm với 100% các trường tham gia.

Câu lạc bộ STEM

Hiện nay có 2 loại hình CLB STEM đang duy trì ở trong trường phổ thông đó là hình thức CLB xã hội hoá do các công ty kết hợp với nhà trường tổ chức, hình thức này chủ yếu diễn ra tại các trường học ở khu vực thành phố, nơi phụ huynh sẵn sàng chi trả thêm cho các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Các nội dung sinh hoạt của các CLB nay chủ yếu tập trung vào các mảng như robot, lập trình máy tính. Một loại hình CLB nữa được duy trì chủ yếu ở các vùng nông thông là các CLB do giáo viên của nhà trường tự duy trì ở dạng CLB ngoại khoá. Các địa phương điển hình duy trì được các hoạt động CLB STEM liên tục như thế này có: Thái Thuỵ - Thái Bình, Nam Trực – Nam Định, Thanh Chương – Nghệ An, Bắc Từ Liêm – Hà Nội… (Hoang, 2019). Để có các kĩ năng ban đầu trong việc vận hành các CLB STEM các thầy cô đã trải qua quá trình tập huấn và làm quen với các chủ để tích hợp STEM do các tổ chức xã hội, cá nhân, đóng góp kinh phí để hỗ trợ các thầy cô và nhà trường mua các trang thiết bị cần thiết. Một phần nguồn kinh phí trang thiết bị đến từ chính các trường.

Một ví dụ ở Nam Trực – Nam định theo (Hoang, 2019) “Đến cuối năm học 2017-2018, ngày 2/6/2018 huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi "ĐÁNH THỨC TRÍ TUỆ LÀNG THỜI 4.0" với tham gia của tất cả 55 trường học trong huyện theo 3 trụ cột của giáo dục STEM nêu trên, trong đó Cuộc thi lập trình Robot của huyện lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia 16 trường làng. Điều làm cho các khách mời bất ngờ không chỉ là ở chỗ huyện Nam Trực đã có câu lạc bộ STEM ở tất cả các trường tiểu học và THCS, mà họ còn bị bất ngờ vì toàn huyện đã có khoảng 80 thầy cô giáo có thể hướng dẫn học sinh lập trình robot, một việc tưởng như bất khả thi ở trường làng trong điều kiện chưa có chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD & ĐT và không có ngân sách.

Vừa qua, trong dịp 20-11-2018, VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin 22 trường làng ở huyện Nam Trực đã tham gia cuộc thi lập trình robot lần thứ 2 do Phòng GD&ĐT tự tổ chức. Đây là một bước tiến lớn, một kinh nghiệm chuyên môn có giá trị trong việc thúc đẩy STEM ở nông thôn.”

Các hoạt động giáo dục STEM khác

Các hoạt động giáo dục STEM khác hiện đang duy trì tại một số trường và địa phương như: Cuộc thi robot của các tổ chức Việt Nam và nước ngoài, Cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật (Visef), Các cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan đều có học sinh Việt Nam tham gia trong những năm gần đây.

Có thể nói, các hoạt động STEM trong nhà trường hiện nay là khá phong phú, song, các hoạt động đó tại các thành phố lớn hầu hết là các hoạt động xã hội hoá với mức chi phí khá cao dành cho các học sinh có nhu cầu. Trong khi đó, mô hình tại các trường khu vực nông thông là các hoạt động CLB do giáo viên nhà trường tự vận hành dựa nguồn lực của trường cũng như sự ủng hộ của cộng đồng với các giải pháp giá rẻ phù hợp với điều kiện địa phương.

Một số thách thức khi triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam

Một trong những khó khăn thách thức lớn nhất để triển khai các hoạt động giáo dục STEM tại Việt Nam hiện nay đó chính là các chính sách ở tầm vĩ mô về giáo dục STEM. Hiện nay văn bản định hướng cao nhất có đề cập đến giáo dục STEM đó là chỉ thị 16TTh/2017 nói về việc phát triển nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 thông qua giáo dục STEM. Ở các văn bản cấp Bộ  hiện nay, hàng năm Bộ Giáo dục đều có văn bản hướng dẫn thực hiện năm học, trong đó khuyến khích thành lập các CLB ngoại khoá trong đó có CLB Khoa học.

Ở góc độ nghiên cứu giáo dục, hiện nay, một số đề tài cấp Bộ cũng đã được triển khai tại Trường Đại học sư phạm hay Viện Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục trong đó có các đề tài như: Xây dựng mô hình giáo dục STEM tại Việt Nam… Tuy nhiên, các đề tài này đều trong giai đoạn mới bắt đầu và chưa có các kết quả được công bố ở tầm quốc tế.

Chính vì những lý do đó, việc mở rộng các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường còn rất nhiều khó khăn bởi chưa ai có thể trả lời câu hỏi Giáo dục STEM là gì một cách đầy đủ nhất theo nghĩa áp dụng tại Việt Nam. Một điều nữa khiến nhiều giáo viên và quản lý nhà trường còn băn khoăn là trước đấy, các dự án gần giống với giáo dục STEM hiện nay như: Dạy học tích hợp liên môn giải quyết các vấn đề của cuộc sống, dạy học theo chủ đề… đều đã được triển khai tại Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn chưa thể phổ biến và chưa tạo thành các phương pháp dạy học bắt buộc trong nhà trường. Khi mà các dự án thí điểm trước đây đều không được trở nên phổ biến thì tại sao lại cần triển khai cái mới. Tuy nhiên, giáo dục STEM lại gặp khá nhiều thuật lợi từ cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, công ty tư nhân với giáo dục STEM, và trên hết là sự đón nhận và sẵn sàng chi trả của một bộ phận cha mẹ học sinh khu vực thành thị.

Ngoài những vẫn đề chính sách vĩ mô cho đến nay chưa có cơ quan nào có thể trả lời được câu hỏi Tại sao Việt Nam cần giáo dục STEM, một số lý giải cho việc triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam được nghiên cứu từ một số báo cáo của các trường như ĐHSP cho thấy việc triển khai các chủ đề tích hợp STEM khiến học sinh hứng thú hơn với việc học, tuy nhiên, việc hứng thú này kéo dài được bao lâu và cho kết quả học tập của các em theo đánh giá hiện tại có đạt được yêu cầu không thì các nghiên cứu còn chưa đủ thời gian để thực hiện. Về việc thúc đẩy giáo dục STEM để phát triển nguồn nhân lực STEM cho Việt Nam ngay từ bậc phổ thông đã được đề cập trong chỉ thị 16TTg/2017 tuy nhiên, câu hỏi Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực STEM trong tương lai cho đến nay vẫn chưa Bộ nào có thể trả lời. Trước những thách thức ở tầm vĩ mô này, rất cần những nghiên cứu chi tiết và những mô hình dự báo được triển khai để đảm bảo việc triển khai giáo dục STEM phải đảm bảo các mục tiêu vĩ mô.

Một số kiến nghị và giải pháp

Với những khó khăn nên trên, trước hết ở tầm vĩ mô, chính phủ và các cơ quan chuyên trách phải giải quyết được câu hỏi Việt Nam có cần giáo dục STEM không và Thế nào là giáo dục STEM ở Việt Nam? Vì những tính chất đặc thù của Việt Nam nên nếu không có các đề tài nghiên cứu kĩ sẽ rất khó áp dụng các mô hình tại các quốc gia phát triển. Như chính bản chất của giáo dục STEM là sự tích hợp liên môn, vì vậy, để giải quyết vấn đề vĩ mô của giáo dục STEM rất cần có một cơ quan chuyên trách với sự tham gia của liên bộ: Giáo dục, Khoa học, Lao động, Thông tin, Văn hoá… để đưa ra chiến lược quốc gia về giáo dục STEM. Các mô hình ở tầm quốc gia có thể học hỏi từ Vương quốc Anh hay Thái Lan tại đó “Năm 2006 chính phủ liên hiệp Vương quốc Anh lúc đó chính thức triển khai chương trình giáo dục STEM quốc gia nhằm tập  hợp những chương trình riêng lẻ đã tồn tại trước đó để nâng cao hiệu quả của các chương trình và tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục. Cho đến nay, các chương trình hỗ trợ giáo dục STEM vẫn được các chính phủ kế tiếp thúc đẩy và tài trợ. Bước đầu, chương trình STEM quốc gia đã đạt được một số thành công nhất định,  ví dụ như việc duy trì trung tâm STEM quốc gia (National STEM Centre) đặt tại trường Đại học York hay như việc tạo ra cuộc thi tầm quôc gia về STEM cho học sinh (Big bang fair) hay việc tạo ra mạng lưới các đại sứ STEM quốc gia (STEMNET). Với sự  hỗ trợ từ chính phủ và bộ giáo dục như vậy, các chương trình giáo dục STEM đã bắt đầu được đưa vào hầu hết các trường phổ thông tại Anh.” (Dang, 2017)

Muốn giáo dục STEM có thể bền vững thì điều cần thiết chính là việc duy trì hệ sinh thái giáo dục STEM trong đó có sự tham gia của các tổ chức, công ty, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp tới trường phổ thông. Hệ sinh thái bền vững là hệ sinh thái tự duy trì và phát triển mà ở đó, các chủ thể có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Mô hình hệ sinh thái giáo dục STEM tồn tại ở nhiều nước như Vương quốc Anh, Thái Lan, Úc, Mỹ…. Mô hình hệ sinh thái giáo dục STEM cho Việt Nam được đề xuất dưới đây.

Hình 1: Mô hình Hệ sinh thái giáo dục STEM tại Việt Nam

 

Hình 2: Mô hình hệ sinh thái STEM tại Thái Lan

Bài viết cùng danh mục