Ranh giới giữa khoa học và giả khoa học

Link bài viết gốc: https://plato.stanford.edu/entries/pseudo-science
Người dịch: Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Thị Thu Trà - Nguyen Xuan Trung, Trà Xanh
Hiệu đính: Đặng Văn Sơn

Sự phân định giữa khoa học và giả khoa học là một phần của nhiệm vụ lớn hơn là xác định niềm tin nào được bảo đảm về mặt nhận thức. Bài viết này làm rõ bản chất cụ thể của giả khoa học trong mối quan hệ với các loại học thuyết và thực hành phi khoa học khác, bao gồm sự phủ nhận (chủ nghĩa) khoa học và chống lại sự thật. Các tiêu chí để phân giả khoa học được đề xuất, thảo luận và chỉ ra một số điểm yếu của chúng. Kết luận, lưu ý rằng cần có nhiều sự thống nhất về các trường hợp phân định cụ thể hơn là về các tiêu chí chung để đưa ra đánh giá. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều công việc mang tính triết học quan trọng cần được thực hiện để phân định ranh giới giữa khoa học và giả khoa học.

Vai trò của việc phân chia ranh giới giữa khoa học và giả khoa học

Sự phân chia ranh giới giữa khoa học và giả khoa học (nguỵ khoa học) có thể được tạo ra cho mục địch lý luận hoặc thực tiễn (Mahner 2007, 516). Từ góc nhìn về mặt lý thuyết, vấn đề về sự phân chia (giữa khoa học và giả khoa học) là một khía cạnh chứa nhiều thông tin đóng góp cho triết học khoa họa giống như cách mà việc tìm hiểu về ngụy biện đóng góp cho nghiên cứu giữa lô gic phi chính thức (informal logic) và lập luận hợp lý (rational argumentation). Từ góc nhìn về mặt thực tế, sự phân biệt khoa học và giả khoa học là rất quan trọng trong định hướng quyết định của cá nhân và cộng đồng. Vì khoa học là nguồn tri thức đáng tin cậy nhất trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta cần phải phân biệt kiến thức khoa học với những thứ từa tựa(giả khoa học). Do khoa học được đánh giá cao trong xã hội hiện đại, nên rất nhiều sản phẩm, bài viết nhận định, bài giảng đã phóng đại giá trị, dựa trên các thông tin phi khoa học dưới danh nghĩa khoa học. Việc này ngày càng trở nên phổ biến khiến việc phân định ranh giới giữa khoa học và giả khoa học là cấp thiết. Việc phân định ranh giới giữa khoa học và giả khoa học trở nên rất quan trọng trong các ứng dụng thực tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực sau:

Chăm sóc sức khỏe

Y học phát triển và đánh giá các phương án điều trị dựa vào những chứng cứ về sự hiệu quả của nó. Các hoạt động giả khoa học trong lĩnh vực này tạo ra những can thiệp y tế không hiệu quả và đôi khi gây nguy hiểm. Bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, công ty bảo hiểm, chính quyền và thành phần quan trọng nhất: người bệnh, cần có định hướng để phân biệt giữa y học khoa học và y học giả khoa học (medical pseudoscience)

Lời khai của chuyên gia

Việc tòa án xác minh được sự thật là điều thiết yếu trong thi hành pháp luật. Độ tin cậy của chứng cứ trong phiên tòa cần phải được đánh giá chính xác, và lời khai của các chuyên gia cần phải dựa trên kiến thức cập nhật nhất. Đôi khi, các nhận định phi khoa học lại được thể hiện như nhận định khoa học. vì lợi ích của bên đương sự. Vì thế, tòa án phải có khả năng phân biệt được khoa học và giả khoa học. Các triết gia thường đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ khoa học trước giả khoa học trong những trường hợp này. (Hansson 2011)

Chính sách về môi trường

Để tránh các thảm họa tiềm tang, việc đưa ra các phương án phòng tránh hiệu quả, kể cả chưa có đủ dữ kiện về một hiểm họa môi trường. Điều này cần phải được tách biệt rõ rang vời việc đưa ra các biện pháp phòng chống những nguy hiểm mà không có chứng cứ có giá trị nào. Vì thế, những người quyết định trong chính sách về môi trường cần phải biết cách phân biệt các nhận định khoa học và giả khoa học

Giáo dục về khoa học

Những người ủng hộ giả khoa học (đáng chú ý là thuyết sáng tạo linh hồn) đã cố gắng đưa những giáo điều của họ vào chương trình giảng dạy trong trường học. Giáo viên và nhà trường cần phải có những tiêu chí rõ ràng về bài giảng khoa học để bảo vệ học sinh khỏi những vấn đề không đáng tin và không đúng sự thật khoa học.

Báo chí

Những vấn đề khoa học còn gây tranh cãi hay các vấn đề liên quan đến khoa học nhưng chưa được thống nhất cần được giải thích và đề cập trên các phương tiện truyền thông dưới dạng câu hỏi. Cũng quan trọng không kém, sự khác biệt về quan điểm giữa một bên là chuyên gia khoa học chính thống và một bên là những người ủng hộ các tuyên bố vô căn cứ cần phải được thể hiện rõ. Sự hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay vắc xin, gần đây, đã bị ảnh hưởng xấu bởi các chiến dịch có tổ chức. Những chiến dịch đã thành công trong việc truyền bá các quan điểm đã bị phủ nhận rõ ràng bởi khoa học như là các quan điểm khoa học chính thống (Boykoff and Koykoff 2004; Boykoff 2008). Truyền thông cần có công cụ và kinh nghiệm để phân biệt giữa tranh luận mang tính khoa học và những âm mưu biến nhưng tuyên bố giả khoa học thành khoa học.

Nghiên cứu về sự phân ranh này có vẻ như đã giảm sau công bố của Laudan (1983), theo ông, không có một hi vọng nào trong việc tìm ra một tiêu chí cần và đủ cho một thứ không đồng nhất như khoa học. Trong các năm gần đây, vấn đề này đã được khởi sướng lại. Các triết gia quan tâm đến vấn đề này ủng hộ rằng khái niệm phân ranh có thể được làm rõ mà không nhất nhiết phải dựa vào điều kiện cần và đủ (Pigliucci 2013; Mahner 2013) hoặc thậm chí tiêu chí cần và đủ này hoàn toàn khả dĩ với điều kiện nó phải được đi kèm với các tiêu chí khác đặc trưng cho từng lĩnh vực (Hansson 2013).

Phần “khoa học” của giả khoa học

Thuật ngữ “giả khoa học” được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1796 khi nhà sử học James Petti Andrew đề cập đến thuật giả kim như một thứ giả khoa học kì quái (Oxford English Dictionary). Cụm từ đã được sử dụng phổ biến từ những năm 1880s (Thur and Numbers 2013). Trong lịch sử, cụm từ này mang ý nghĩa xấu (Laudan 1983, 119; Dolby 1987, 204). Việc ai đó mô tả công việc của mình là giả khoa học và khoe khoang về nó là điều kỳ quặc. Vì cụm từ giả khoa học mang tính chất chê bai/xúc phạm, sẽ không cần thiết để đưa ra một định nghĩa trung tính cho cụm từ này. Một từ mang hàm ý trong bản chất cần phải được định nghĩa theo hàm ý. Việc này thường rất khó vì đánh giá của các hàm ý thường gây tranh cãi.

Vấn đề này không phải chỉ đặc trưng cho giả khoa học nhưng nó nảy sinh trực tiếp từ vấn đề tương tự nhưng dễ thấy hơn: định nghĩa về khoa học. Cách sử dụng thông thường của từ “khoa học” có thể được thể hiện theo cách mô tả hoặc theo quy chuẩn. Khi một sự việc được cho là khoa học, tức là nó thường nói đến sự công nhận về đóng góp tích cực cho việc tìm kiếm tri thức của nhân loại. Mặt khác, khái niệm của khoa học đã được hình thành trong quá trình lịch sử, và có nhiều sự mơ hồ, không chắc chắn ảnh hưởng đến việc chúng ta gọi một sự việc nào đó là khoa học hoặc không.

Trong bối cảnh này, để không làm phức tạp hóa quá mức, định nghĩa về khoa học phải chọn một trong hai cách trên. Nó có thể tập trung vào các nội dung mang tính mô tả và chỉ rõ ràng cách cụm từ này được sử dụng. Hoặc thay vào đó, nó có thể tập trung vào các nội dung mang tính quy chuẩn và làm rõ những ý nghĩa cơ bản của cụm từ này. Cách thứ 2 đã được nhiều triết gia sử dụng để viết về chủ đề này và cách này cũng sẽ được sử dụng ở đây. Việc này bao gồm lý tưởng hóa ở mức độ nào đó so với nghĩa sử dụng thông thường của từ “khoa học”.

Từ “khoa học” được sử dụng chủ yếu nói về khoa học tự nhiên và các lĩnh vực nghiên cứu tương tự khác (Do lý do lịch sử của từ Khoa học). Vì thế, kinh tế học chính trị và xã hội học được tính là khoa học, trong khi đó nghiên cứu văn học hay lịch sử thì thường không. Từ tương xứng trong tiếng Đức “Wissenschaft” có nghĩa rộng hơn và bao gồm tất cả các chuyên môn mang tính học thuật, kể cả khoa học nhân văn. Từ tiếng Đức mang điểm mạnh là không bị hạn chế về loại hình tri thức mà đang có tranh cãi giữa khoa học và giả khoa học. Sự xuyên tạc lịch sử của những người phủ nhận Holocaust (cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã 1941-1945) và những giả sử học (pseudo-historians) rất giống về mặt bản chất với sự xuyên tạc khoa học tự nhiên bởi những người ủng hộ thuyết sáng tạo hoặc vi lượng đồng căn (Liệu pháp điều trị giả khoa học “lấy độc trị độc”).

Quan trọng hơn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn đều là một phần trong sự cố gắng của nhân loại: sự tìm tòi có hệ thống và phê bình nhằm đạt được tri thức tốt nhất về thiên nhiên, con người và xã hội. Những lĩnh vực tạo ra cộng đồng của các lĩnh vực về tri thức này liên kết chặt chẽ với nhau (Hasson 2007). Sau nửa sau của thế kỉ 20, các ngành tích hợp như vật lý thiên văn, sinh học tiến hóa, hóa sinh, quần thể học, hóa học lượng tử, khoa học thần kinh, và lý thuyết trò chơi đã phát triển nhanh chóng và củng cố sự liên kết của các lĩnh vực. Sự liên quan chặt chẽ này cũng kết nối khoa học và nhân văn hơn, ví dụ là cách những kiến thức về lịch sử phụ thuộc rất nhiều vào những phát hiện dựa vào các phân tích khoa học trong khảo cổ học.

Với cách hiểu về khoa học mở rộng như ở trên (bao gồm cả khoa học xã hội và nhân văn) thì sự xung đột giữa khoa học và giả khoa học sẽ được làm rõ nhất. Một bên chúng ta thấy một cộng đồng/nhóm các lĩnh vực về tri thức bao hàm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Bên còn lại ta thấy là tập hợp của các phong trào và giáo lý, như thuyết sáng tạo, chiêm tinh học, vi lượng đồng căn, và chủ nghĩa bác bỏ Holocaust. Những phong trào và giáo lý này mâu thuẫn với những kết quả và phương pháp mà đã được công nhận bởi nhóm các lĩnh vực tri thức trên.

Một cách nói khác là việc phân ranh có ý nghĩa sâu xa hơn so với việc làm rõ những hoạt động nào mà chúng ta có lý do để gọi là nó “khoa học”. Vấn đề quan trọng nhất là “làm thế nào để xác định những lý tưởng nào được đảm bảo về mặt nhận thức luận” (Fuller 1985, 331).

Phần “Giả” của giả khoa học

Vô khoa học và phản khoa học và giả khoa học (Non-, un-, and pseudoscience)

Cụm từ “sự phân ranh của khoa học” và “sự phân ranh giữa khoa học và giả khoa học” thường được sử dụng tương đương, và nhiều tác giả nghiên cứu cũng cho rằng 2 cụm từ mang cùng ý nghĩa. Đối với họ, việc đưa ra ranh giới của khoa học, về mặt bản chất, là đưa ra ranh giới giữa khoa học và giả khoa học.

Sự việc đã bị đơn giản hóa. Không phải tất cả vấn đề vô khoa học (non-science) đều là giả khoa học, và khoa học có những ranh giới dễ nhận thấy đối với các hiện tượng không mang tính khoa học, ví dụ như siêu hình (metaphysics), tôn giáo (religion) là các tri thức có hệ thống nhưng không mang tính khoa học. Mahner (2007, 548) cho rằng cụm từ ngoại khoa học (parascience) để chỉ các phương pháp thực hành không mang tính khoa học nhưng không phải giả khoa học. Khoa học bảnthân cũng có những vấn đề về sự phân chia ranh giới bên trong nó, nhằm phân biệt khoa học tốt và xấu.

Sự so sánh giữa các cụm từ phủ định của khoa học có thể giúp làm rõ sự khác biệt của các định nghĩa này. Unscientific (phản khoa học) có nghĩa hẹp hơn non-scientific (vô khoa học), vì từ phản khoa học ám chỉ có sự bất đồng hoặc mâu thuẫn trong khoa học. “Giả khoa học” lại có nghĩa hẹp hơn “phản khoa học”. Phản khoa học khác giả khoa học ở việc bao gồm các đo đạc và tính toán cẩu thả và các điều tương tự như khoa học tồi(bad science). Những thực hành này được thực hiện bởi các nhà khoa học được công nhận nhưng thất bại trong việc làm khoa học một cách đúng đắn.

Ngữ nguyên học cho chúng ta điểm khởi đầu để làm rõ những tính chất đặc trưng của giả khoa học (ngoài những tính chất của phản khoa học và vô khoa học). Pseudo nghĩa là giả, làm giả. Do đó, từ điển Oxford English Dictionary (OED) định nghĩa “giả khoa học” như sau:

“Giả bộ và giả mạo khoa học; là tập hợp của các niềm tin về thế giới (sự vật, hiện tượng) dựa trên phương pháp khoa học sai lầm, và được đánh giá như các sự thật mang tính khoa học.”

Vô khoa học đe dọa khoa học

Nhiều tác giả viết về giả khoa học đã nhấn mạnh rằng giả khoa học là vô khoa học (non-science) nhưng giả bộ như khoa học. Nghiên cứu hiện đại đầu tiên về chủ đề này (Gardner 1957) mang tên Fads and Fallacies in the Name of Science (những điều kỳ cục và ngụy biện dưới danh nghĩa khoa học). Theo Brian Baigrie (1988, 438). “những tư tưởng này đáng bị phản đối vì nó giả dạng như khoa học thật”. Nhiều tác giả cho rằng:có hai tiêu chí để đánh giá một vấn đề hay một bài giảng được coi là giả khoa học (Hansson 1996):

  • Nó không mang yếu tố khoa học
  • Những người ủng hộ nó cố tạo ra cảm giác là nó mang yếu tố khoa học.

Tiêu chí đầu tiên trong hai điều trên là tiêu chí chính trong triết học khoa học. Ý nghĩa chính xác của tiêu chí này đã và đang là một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa các triết gia, điều này sẽ được nói đến ở phần 4. Tiêu chí thứ hai ít quan trọng về mặt triết học, nhưng nó cũng cần được chú ý cẩn thận vì rất nhiều những tranh luận xoay quanh giả khoa học (về mặt triết học hoặc không) trở nên mơ hồ do bên tranh luận chưa đủ quan tâm đến tiêu chí này.

Yếu tố giáo lý của giả khoa học

Một vấn đề rõ ràng của định nghĩa giả khoa họcdựa vào (1) và (2) là nó quá rộng. Có những việc thỏa mãn cả hai tiêu chí nhưng không được cho là giả khoa học. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là gian lận trong khoa học. Các hành động này mạo dạnh khoa học và cũng làm theo khoa học, vì thế thỏa mãn cả hai tiêu chí. Mặc dù vậy, gian lận trong khoa học hiếm khi được gọi là “giả khoa học”. Lý do cho điều này sẽ được làm rõ hơn bởi giả dụ sau đây (Hasson 1996)

  • Trường hợp 1: Một nhà hóa sinh thực hiện một thí nghiệm và cô ấy thấy rằng 1 protein nhất định đóng vai trò quan trọng trong việc co giãn cơ bắp. Đồng nghiệp của cô phần lớn cho rằng kết quả của cô là kết quả vô nghĩa do lỗi khi làm thí nghiệm
  • Trường hợp 2: Một nhà hóa sinh liên tục thưc hiện những thí nghiệm không có hệ thống. Cô ta nhất quán cho rằng cómột loại protein đóng vai trò quan trọng trong co giãn cơ bắp, điều này không được các nhà khoa học khác chấp thuận.
  • Trường hợp 3: Một nhà hóa sinh thực hiện hàng loạt các thí nghiệm không có hệ thống trong nhiều lĩnh vực. Một trong những thí nghiệm giống như trường hợp 1. Phần lớn chất lượng kết quả của cô ấy như nhau. Cô ấy không lan truyền lý thuyết mới nào.

Dựa theo cách dùng thông thường, 1 và 3 được coi là khoa học tồi, chỉ có trường hợp 2 là giả khoa học. Điều mà trường hợp 1 và 3 không có, nhưng lại xuất hiện ở trường hợp 2, đó là giáo lý lệch lạc (deviant doctrine). Những vi phạm riêng biệt về yêu cầu trong khoa học thường không được coi là giả khoa học. Giả khoa học, theo cách được nhận biết, phải bao gồm sự cố gắng rõ ràng để ủng hộ những quan điểm khác với những điều được công nhận dựa trên khoa học.

Điều trên giải thích vì sao gian lận trong khoa học thường không được coi là giả khoa học. Những hành vi như vậy thường không đi kèm với giáo lý lệch lạc hay không chính thống nào. Ngược lại, một nhà khoa học gian lận thường lo lắng rằng kết quả của cô ấy phải thống nhất với những dự đoán của các lý thuyết khoa học vững chắc. Sự khác biệt với những lý thuyết này sẽ làm tăng khả năng bị lộ.

Cụm từ “khoa học” có cả nghĩa mang tính rõ ràng và mang tính không rõ ràng. Trong nghĩa mang tính rõ rành, hóa sinh học và thiên văn học là hai loại khoa học khác nhau, một loại nghiên cứu gồm những nghiên cứu về sự co giãn của cơ bắp và loại còn lại nghiên cứu về các siêu tân tinh. Từ điển Oxford English Dictionary (OED) định nghĩa khía cạnh này của khoa học là “một nhánh của kiến thức hoặc nghiên cứu; phần kiến thức đã được công nhận”. Trong nghĩa mang tính không rõ ràng, nghiên cứu về protein cơ bắp và về siêu tân tinh là một phần của “một và duy nhất” khoa học. Trong từ điểm OED, khoa học không rõ ràng là “một loại kiến thức hoặc một hoạt động mang tính vận dụng trí óc, trong đó có ví dụ là các “khoa học” khác nhau”.

Giả khoa học là sự hoàn toàn đối lập của khoa học theo nghĩa rõ ràng hơn là theo nghĩa không rõ ràng. Không tồn tại không một văn thể thống nhất nào của giả khoa học tương ứng với văn thể của khoa học. Để một điều mang tính giả khoa học, nó phải thuộc về một hoặc nhiều loại giả khoa học riêng. Để tóm gọn đặc tính này, định nghĩa trên có thể được thay đổi bằng cách thay (2) bằng điều sau (Hansson 1996):

(2’) nó là 1 phần của một giáo lý không khoa học mà những người ủng hộ nó cố gắng tạo ra cảm giác là nó mang yếu tố khoa học.

Hầu hết các triết gia về khoa học, hơn là nhà khoa học, muốn công nhận khoa học như tập hợp của các phương pháp đặt câu hỏi hơn là tập hợp của những giáo lý. Khái niệm này rõ ràng tạo ra những tranh cãi với (2’). Mặc dù vậy, vì giả khoa học thường được thể hiện là đại diện cho khoa học với giáo lý đóng và hoàn thành, hơn là một phương pháp cho những câu hỏi mở.

Ý nghĩa mở rộng của giả khoa học

Đôi khi cụm từ “giả khoa học” được sử dụng với nghĩa rộng hơn so với định nghĩa từ (1) và (2’). Đối lập với (2’), các giáo lý mâu thuẫn với khoa học đôi khi được gọi là giả khoa học kể cả khi không giả làm khoa học. Vì thế, Grove (1985, 219) bổ sung rằng trong các giáo lý giả khoa học, những giáo lý mà ngụ ý đưa ra những giá trị thay thế cho những điều tương ứng trong khoa học, hoặc khẳng định giải thích những thứ khoa học không thể giải thích.” Tương tự, Lugg (1987, 227-228) cho rằng “những phỏng đoán của các nhà Nhãn thông (clairvoyant) là giả khoa học, kể cả khi nó đúng hoặc không”, dù hầu hết các nhà Nhãn thông đều không coi mình là người làm khoa học. Trong trường hợp này, giả khoa học được cho là bao gồm không chỉ giáo lý trái với khoa học nhưng giả làm khoa học mà còn giáo lý trái với khoa học nói chung, bất kể nó có lấy danh của khoa học hay không. Để bao hàm ý nghĩa mở rộng này của giả khoa học, (2’) có thể được thay đổi như sau (Hansson 1996, 2013):

(2’’) nó là một phần của một giáo lý mà những người ủng hộ cố gắng tạo ra cảm giác là nó đại diện cho nguồn tri thức đáng tin cậy nhất.

Hai khái niệm (1) + (2’) và (1) + (2’’) thường được sử dụng đổi lẩn cho nhau theo một cách đáng chú ý: Khi phát biểu về giả khoa học, những người chỉ trích giả khoa học thường ủng hộ định nghĩa gần với (1) + (2’), nhưng cách sử dụng thực sự của họ lại gần với định nghĩa (1) + (2’’)

Ví dụ sau đây để cho thấy sự khác biệt giữa 2 khái niệm và cũng để làm rõ vì sao (1) lại cần thiết:

a. Một cuốn sách về thuyết sáng tạo linh hồn đưa ra một giải thích đúng về cấu trúc của DNA
b. Một quyển sách đáng tin cậy về hóa học đưa ra một giải thích sai về cấu trúc của DNA
c. Một cuốn sách về thuyết sáng tạo linh hồn phủ định rằng con người có cùng tổ tiên với loài linh trưởng khác
d. Một người thuyết giáo vừa phủ nhận rằng khoa học là đáng tin và vừa phủ nhận rằng con người có cùng tổ tiên với loài linh trưởng khác.

(a) Không thỏa mãn (1), vì thế nên không phải giả khoa học (b) thỏa mãn (1) nhưng không thỏa mãn (2’) và (2’’) nên vì thế không phải giả khoa học. (c) thõa mãn cả ba tiêu chí (1), (2’) và (2’’) và vì thế là giả khoa học. Cuối cùng, (d) thỏa mãn (1) and (2’’) (nhưng không phải (2)) nên do đó cũng là giả khoa học. Hai ví dụ cuối cho thấy, giả khoa học và bài khoa học (anti-science) thường khó có thể phân biệt. Những người ủng hộ phản khoa học (đặc trưng là Liệu pháp Vi lượng đồng căn) có xu hướng mập mờ giữa việc phản đối khoa học và việc khẳng định rằng mình đại diện cho thứ khoa học tốt nhất.

Đối tượng của sự phân chia (giữa khoa học và giả khoa học)

Có rất nhiều những đề xuất đã được đưa ra về vấn đề những thành phần nào trong khoa học hoặc giả khoa học có thể áp dụng sự phân ranh. Đề xuất đề cập rằng sự phân ranh có thể áp dụng cho chương trình nghiên cứu (Lakatos 1974a, 248-249), lĩnh vực mang tính tri thức hoặc nghiên cứu về nhận thức (một nhóm người có cùng một mục tiêu về mặt tri thức và cùng phương pháp thực hành) (Bunge 1982,2001; Mahner 2007), lý thuyết (Popper 1962, 1974), phương pháp thực hành (Lugg 1992; Morris 1987), vấn đề hoặc câu hỏi khoa học (Siitonen 1984) và các câu hỏi nhất định (Kuhn 1974, Mayo 1996). Có thể nói rằng các tiêu chí phân ranh có thể được áp dụng ở mỗi cấp bậc trên. Một vấn đề khó hơn là các cấp bậc này có phải là cấp bậc mang tính cơ bản hay không vì dựa vào cấp bậc cơ bản, các cấp bậc khác có thể giản lược được.

Derksen (1993) khác biệt với các nhà nghiên cứu khác về vấn đề này, ông nhấn mạnh sự phân ranh vào những người giả khoa học (những cá thể thực hiện giả khoa học). Lập luận chính của ông là giả khoa học có cách thức giả danh có hệ thống (mang tính khoa học), và sự giả danh này gắn liền với cá thể, chứ không phải lý thuyết, phương pháp thực hành hay cả một lĩnh vực. Mặc dù vậy, Settle (1971) để cập rằng sự kết hợp thành một khối giữa sự hợp lý và quan điểm mang tính phê bình, hơn là đặc tính trí thức của mỗi cá nhân, là điều phân biệt khoa học với các hình thức không khoa học khác như phép thuật.. Một cá nhân thực hiện phép thuật trong xã hội trước khai sáng không nhất thiết là thiếu tư duy hợp lý hơn cá thể khoa học trong xã hội châu Âu hiện đại. Điều mà người này thiếu là một môi trường trí thức, trong đó có tư duy hợp lý của tập thể và sự phản biện song phương. “Nó gần như là sự phân biệt sai lầm khi cho rằng mỗi cá nhân nhà khoa học đều có tư duy phản biện” (Settle 1971, 174)

Sự phân ranh có giới hạn về thời gian

Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự phân ranh giữa khoa học và giả khoa học là vĩnh viễn, không phụ thuộc vào thời gian. Nếu điều đó đúng thì nó sẽ mâu thuẫn nếu nhận định một thứ là giả khoa học trong một thời điểm nhưng lại không trong một thời điểm khác. Vì thế, sau khi chỉ ra những sự tương đồng về thuyết sáng tạo linh hồnvới những học thuyết của đầu thế kỷ 18, một tác giả đã kết luận rằng “nếu những hoạt động mà từ trước đã được coi là khoa học, thì nó cũng chính đáng để gọi là khoa học bây giờ” (Dolby 1987, 207). Lập luận này dựa trên sự hiểu nhầm về khoa học. Một trong những điều thiết yếu của khoa học là nó luôn tìm kiếm sự cải thiện dựa vào thử nghiệm thực tế, phê bình, và khám phá những lĩnh vực mới. Một quan điểm hay lý thuyết không thể mang tính khoa học trừ khi nó có đủ tính chất của quá trình cải thiện này. Điều đó có nghĩa là những phủ định có căn cứ của những quan điểm khoa học trước đó cũng được chấp nhận. Sự phân ranh của khoa học không thể là bất biến theo thời gian, vì lý do đơn giản là khoa học thay đổi theo thời gian.

Mặc dù vậy, sự biến đổi của khoa học là một trong những nhân tố khiến cho sự phân ranh giữa khoa học và giả khoa học trở nên khó khan. Derkson (1993, 19) đã chỉ ra ba lý do chính vì sao sự phân ranh lại trở nên khó khăn: khoa học thay đổi theo thời gian, khoa học không đồng nhất – bao gồm nhiều thành phần khác nhau, và bản thân những khoa học đã được củng cố cũng có tồn đọng những lỗ hổng của giả khoa học.

Những tiêu chí phân định ranh giới

Những nỗ lực của chúng ta trong việc định nghĩa thế nào là khoa học là cả một quãng đường dài trong lịch sử và việc tìm ra ranh giới giữa khoa học và giả khoa học được bắt nguồn từ những bài phân tích của Aristotle (Laudan, 1983). Tuy nhiên, mãi cho đến thế kỷ 20 thì mới xuất hiện những định nghĩa về khoa học mang tầm ảnh hưởng lớn trong việc phân biệt hai khái niệm ‘khoa học’ và ‘giả khoa học’.

Chủ nghĩa thực chứng logic

Vào khoảng năm 1930, những người ủng hộ chủ nghĩa thực chứng logic thuộc Vòng tròn Vienna đã phát triển nhiều cách tiếp cận tới khoa học theo góc nhìn thực chứng. Ý tưởng cơ bản đằng sau nó là chúng ta phân biệt những kết luận mang tính khoa học với những kết luận siêu hình bằng cách, ít nhất, về mặt nguyên tắc, chúng ta có thể xác minh (bằng thực nghiệm) được chúng hay không. Quan điểm này cũng có sự liên hệ với góc nhìn rằng: ý nghĩa của một đề xuất nào đó nằm ở phương pháp xác thực chúng (tham khảo phần chủ nghĩa phản nghiệm trong phần nói về Vòng tròn Vienna). Quan điểm này thường được sử dụng để phân biệt ranh giới giữa khoa học và giả khoa học. Tuy nhiên, đề xuất này được đánh giá không chính xác về mặt lịch sử bởi vì những đề xuất về kiểm chứng trên có mục đích để giải quyết một vấn đề phân biệt các khái niệm hoàn toàn khác, như giữa khoa học và siêu hình học.

Chủ nghĩa phản nghiệm (Falsificationism)

Karl Popper mô tả việc phân định ranh giới giữa hai khái niệm này là ‘việc quan trọng, ví như chiếc chìa khóa để tìm ra những vấn đề cơ bản trong triết học của khoa học’ (Popper 1962, 42). Popper cho rằng việc có thể kiểm nghiệm, xác minh là một tiêu chí xác định một học thuyết hay một giả thuyết có mang tính khoa học hay không hơn là dùng nó để phân biệt giữa khoa học và giả khoa học hay khoa học và siêu hình. Theo ông, một tiêu chí để đánh giá đó là học thuyết đó có thể bị phản nghiệm, hay chính xác hơn là “những lý luận hoặc hệ thống những lý luận để được đánh giá có tính khoa học hay không, phải có khả năng mâu thuẫn với các quan sát có thể có hoặc có thể hình dung được ” (Popper 1962, 39) để ta có thể phản bác chúng.

Popper đề xuất tính phản nghiệm là một cách để phân biệt rạch ròi những lý luận mang tính khoa học thực nghiệm và “tất cả những lý luận còn lại – dù chúng có có mang đặc tính của tôn giáo hay tính siêu hình, hay chỉ đơn giản là giả khoa học” (Popper 1962, 39; cf. Popper 1974, 981). Đề xuất của Poper là một cách khác cùng với chủ nghĩa thực chứng logic để đưa ra các tiêu chí để phân biệt giữa khái niệm khoa học và giả khoa học. Mặc dù Popper không nhấn mạnh vào sự khác biệt, nhưng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau (Bartley 1968). Popper cho rằng những kết luận mang tính siêu hình có thể chứa đựng một ý nghĩa nào đó – chúng “không hề vô nghĩa” (1974, 978–979) nhưng ông không thể hiện sự ghinhận đối với những luận điểm giả khoa học.

Tiêu chí phân biệt ranh giới của Popper bị đánh giá rằng đã loại bỏ khoa học chính thống ra khỏi bức tranh (Hansson 2006) và cho rằng một số giả khoa học có thể được cho là có tính khoa học (Agassi 1991; Mahner 2007, 518–519). Nói một cách khắt khe thì tiêu chí của Popper đã bỏ sót một số luận điểm giả khoa học. Theo Larry Laudan (1983, 121) luận điểm của Popper có thể gây ra một hậu quả khó lường rằng, tất cả những khẳng định sai trái của những kẻ có niềm tin lạ lùng nào đó đều có thể mang tính ‘khoa học’. Chiêm tinh, theo Popper thì đây là một ví dụ rõ ràng của giả khoa học, trong thực tế đã được kiểm chứng và phản bác một cách vô cùng cẩn trọng và kỹ lưỡng (Culver and Ianna 1988; Carlson 1985). Tương tự, những mối đe dọa chính đối với tính khoa học của việc phân tích tâm lý – một trong những đối tượng chính của Popper, không đến từ việc chúng không thể kiểm chứng mà việc chúng đã được làm thí nghiệm kiểm chứng và những lần kiểm chứng đó thất bại.

Những người ủng hộ Popper cho rằng sự chỉ trích trên xuất phát từ việc suy diễn vô căn cứ của ý tưởng của ông ấy. Họ nói rằng ý đó không nên được hiểu rằng việc phản bác một luận điểm nào đó là điều kiện đủ để phân biệt ranh giới của khoa học. Nhiều bài viết có đề cập rằng Popper chỉ coi nó là điều kiện cần (Feleppa 1990, 142). Những bài viết khác có đề cập đến rằng để một giả thuyết được coi là khoa học, bên cạnh việc có thể phản bác được giả thuyết đó, Popper cho rằng cần có những nỗ lực không ngừng nghỉ để kiểm chứng và những kết quả của kiểm chứng được chấp nhận (Cioffi 1985, 14–16). Tiêu chuẩn phân biệt dựa trên những chứng minh thiếu căn cứ mà bao gồm cả những yếu tố trên sẽ giúp tránh khỏi những lập luận phản bác rằng Popper chỉ đưa ra cách phân biệt duy nhất, là dựa vàokhả năng giả thuyết nào đó có sai hay không hay còn gọi là tính phản nghiệm của giả thuyết đó.

Tuy nhiên, Popper có vẻ nghiên về lập luận rằng, làm rõ được tính phản nghiệm của một giả thuyết là điều kiện cần và đủ. “Một phát biểu hoặc một giả thuyết sẽ mang tính khoa học dựa trên thực nghiệm nếu ta chứng minh được nó có thể bị phản bác”. Hơn nữa, Popper cũng nhấn mạnh rằng phản nghiệm được đề cập ở đây có nghĩa là “chỉ liên quan đến cấu trúc logic của một nhận định hay nhiều tầng nhận định”. Ông cho rằng, một nhận định hay một lý thuyết sẽ bị phản nghiệm nếu và chỉ nếu về mặt logic, nó đối lập hoàn toàn với việc kết quả thực nghiệm sau khi quan sát một cách logic ở một sự kiện cũng mang tính logic (Popper [1989] 1994, 83). Một luận điểm có thể bị phản nghiệm theo hướng này mặc dù trong thực tế thì nó không có khả năng là sai. Hay nói cách khác, một luận điểm được coi là khoa học hay không có tính khoa học không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, trong một số lần khác, Popper lại định nghĩa phản nghiệm theo một cách khác và cho rằng “những gì được coi là siêu hình trước đây có thể trở thành một học thuyết mang tính khoa học và có thể kiểm nghiệm được trong tương lai và điều này khá phổ biến” (Popper 1974, 981, cf. 984).

Tính phản nghiệm về mặt logic là một tiêu chí ít thuyết phục hơn tính phản nghiệm thực nghiệm. Tuy nhiên, thậm chí tính phản nghiệm logic có thể đem lại những vấn đề trong việc phân định trong thực tiễn. Popper từng thể hiện quan điểm rằng chọn lọc tự nhiên không phải là một giả thuyết khoa học thực thụ, dựa trên cơ sở rằng nó chỉ có ý nghĩa là “người sống sót thì vẫn tiếp tục sống sót”, là một điều mà ai cũng biết và không cần thiết phải nhắc đến. “Thuyết Darwin không phải giả thuyết khoa học có thể kiểm chứng được, mà chỉ là một chương trình nghiên cứu siêu hình” (Popper 1976, 168). Phát biểu này của Popper bị nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực tiến hóa chỉ trích vì nó mô tả sai lệch khái niệm tiến hóa. Từ học thuyết chọn lọc tự nhiên, rất nhiều dự đoán liên quan được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu thực địa cũng như nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (Ruse 1977; 2000).

Trong một bài giảng tại Cao đẳng Darwin vào năm 1977, Popper rút lại quan điểm trước đây của mình rằng chọn lọc tự nhiên là điều đương nhiên mà ai cũng biết. Thay vào đó, ông cũng thừa nhận rằng đó là một giả thuyết có thể kiểm nghiệm mặc dù ông định nghĩa rằng “khó để thực hiện việc kiểm nghiệm” (Popper 1978, 344). Tuy nhiên, bất chấp việc Popper đã rút lại lời nói của mình, quan điểm đó vẫn tiếp tục phổ biến rộng rãi dù càng ngày càng có nhiều những thí nghiệm thực tế liên quan đến chọn lọc tự nhiên.

Tiêu chí giải đố

Thomas Kuhn là một trong những triết gia, người phát triển ý tưởng nghiên cứu của mình dựa trên quan điểm của Popper về vấn đề phân biệt rạch ròi ranh giới (giữa khoa học và giả khoa học). Kuhn chỉ trích Popper qua việc ông “sử dụng những vấn đề nhỏ lẻ để đánh giá và mô tả toàn bộ một khái niệm khoa học phức tạp”(Kuhn 1974, 802). Popper tập trung vào sự phản nghiệm của các lý thuyết dẫn tới việc ông chỉ quan tâm tới những trường hợp hiếm chứ không phải toàn bộ vấn đề.. Theo Kuhn, cách mà khoa học thể hiện ra trong một vài trường hợp không thể dùng để đánh giá toàn bộ các vấn đề khoa học phức tạp. Thay cho giai đoạn khoa học chuẩn định (khoa học thông thường), khoa học còn diễn ra ở những thời điểm bất thường của cuộc cách mạng khoa học. Cuộc cách mạng khoa học chính là đặc điểm khác biệt của khoa học với các hoạt động khác (Kuhn 1974, 801).

Trong khái niệm khoa học mà chúng ta vẫn thường thấy, việc của nhà khoa học là tìm ra những mảnh ghép để giải quyết những vấn đề nan giải thay vì kiểm chứng những học thuyết cơ bản. Trong công việc giải đố, lý thuyết hiện tại được chấp nhận, các câu hỏi (mảnh ghép) được đặt ra trong vấn đề của thuyết đó. Theo quan điểm của Kuhn, “ đó là khoa học chuẩn định, mà trong đó việc kiểm nghiệm của Karl không hề xảy ra, thay vì khái niệm khoa học cao siêu để phân biệt khoa học với những công việc khác”, vì thế sự phân biệt ranh giới cần phải xuất phát từ khái niệm khoa học chuẩn định. Tiêu chí phân định của Kuhn và là đặc tính quan trọng của khoa học chuẩn định là khả năng giải đố

Quan điểm của Kuhn được giải thích rõ hơn khi ông so sánh thiên văn học với chiêm tinh. Từ thời xa xưa, thiên văn học được sử dụng để trả lời cho những bí ẩn của vũ trụ này, vì thế nó là khoa học. Nếu dự đoán của một nhà thiên văn học là không chính xác, thì đây là một bài toán mà anh ta mong có thể tìm ra lời giải, bằng cách đo lường hoặc điều chỉnh lại học thuyết. Ngược lại, những nhà chiêm tinh không có vấn đề nan giải nào cần tìm ra câu trả lời vì trong lĩnh vực đó “những thất bại không đem đến sự nghiên cứu, tìm hiểu thêm vì không ai tận dụng những thất bại đó trong việc nỗ lực tạo ra sự thay đổi truyền thống về chiêm tinh ” (Kuhn 1974, 804). Vì vậy, theo Kuhn, thì chiêm tinh chưa bao giờ là khoa học.

Popper không đồng tình với tiêu chuẩn để phân biệt “khoa học” và “giả khoa học” của Kuhn. Theo Popper, những nhà chiêm tinh có tham gia vào việc giải đố và do đó theo tiêu chuẩn của Kuhn thì chiêm tinh chính là khoa học. (Đối lập với quan điểm của Kuhn, Popper định nghĩa câu đố (puzzle) là “những vấn đề nhỏ nhặt không ảnh hưởng đến thói quen thường ngày”.) Quan điểm của Kuhn là một “thảm họa” của việc “thay thế một tiêu chuẩn hợp lý của khoa học bằng một tiêu chuẩn xã hội học” (Popper 1974, 1146–1147).

Tiêu chuẩn dựa trên tiến trình khoa học

Tiêu chí phân biệt của Popper liên quan tới cấu trúc về mặt logic của những học thuyết. Imre Lakatos mô tả tiêu chuẩn này là “vô cùng chính xác. Một học thuyết có thể mang tính khoa học thậm chí không có bằng chứng nào ủng hộ học thuyết đó, ngược lại nó có thể là giả khoa học ngay cả khi tất cả những bằng chứng đều hướng đến học thuyết đó. Nghĩa rằng, tính khoa học hay không khoa học của một học thuyết có thể được xác độc lập với những sự thật quanh nó” (Lakatos 1981, 117).

Thay vào đó, Lakatos (1970; 1974a; 1974b; 1981) đưa ra một điều chỉnh dựa trên tiêu chuẩn của Popper được gọi là “thuyết phản biện tinh vi (thuộc về phương pháp)”. Theo quan điểm này, tiêu chuẩn phân biệt không nên được áp dụng riêng biệt với những thuyết hay giả thuyết mà nên áp dụng cho cả một chương trình nghiên cứu được đặc trưng bởi những học thuyết có thể thay thế lẫn nhau. Ông định nghĩa rằng một chương trình nghiên cứu là một quá trình mà các lý thuyết mới tạo ra một nhận định mới, và phải được xác nhận. Ngược lại, một chương trình nghiên cứu không có tính mới được đặc trưng là các lý thuyết mới được tạo ra chỉ để phù hợp với những sự thật đã được biết đến. Tiến trình trong khoa học chỉ khả thi nếu chương trình nghiên cứu đó đáp ứng điều kiện tối thiểu là mỗi một học thuyết mới được phát triển phải có nội dung thực nghiệm lớn hơn so với những học thuyết trước đó. Nếu một chương trình nghiên cứu mà không đáp ứng được yêu cầu này, thì nó chỉ là giả khoa học.

Theo Paul Thagard, một học thuyết hay một lĩnh vực là giả khoa học nếu có hai tiêu chí dưới đây. Một là học thuyết đó không theo một tiến trìnhvà hai là “cộng đồng những người nghiên cứu học thuyết đó không thể hiện sự nỗ lực để phát triển học thuyết hướng tới việc giải quyết vấn đề, không quan tâm tới việc đánh giá học thuyết đó trong sự liên quan với học thuyết khác, và có sự kén cá chọn canh trong việc cân nhắc xác nhận hay không xác nhận lý thuyết đó” (Thagard 1978, 228). Sự khác biệt giữa cách tiếp cận của Thagard và của Lakatos là Lakatos phân loại những lĩnh vực mà không có sự tiến triển hay phát triển là giả khoa học dù những nhà thực nghiệm rất nỗ lực trong việc cải thiện nó và biến nó thành lĩnh vực có tiến trình.

Trong một hoàn cảnh tương tự vậy, Daniel Rothbart (1990) nhấn mạnh rằng sự khác biệt giữa những tiêu chuẩn có thể được sử dụng để kiểm tra một học thuyết và tiêu chuẩn sử dụng để xác định khi nào học thuyết cần được kiểm nghiệm. Tiêu chuẩn sau đề cập rằng học thuyết cần tóm gọn lại khi giải thích sự thành công của những học thuyết khác và học thuyết thể hiện sự mâu thuẫn và đối lập so với học thuyết khác. Theo Rothbart, một học thuyết không phải là khoa học nếu chúng không đáng để kiểm nghiệm.

George Reisch nói rằng việc phân biệt giả khoa học với khoa học có thể dựa trên yêu cầu là một lĩnh vực khoa học cần được liên kết và tích hợp đủ với những khoa học khác. Những ngành khoa học khác nhau có sự liên kết chặt chẽ dựa trên phương pháp nghiên cứu, học thuyết, sự tương tự của mô hình, v..v. Ví dụ như, thuyết đấng sáng tạo không được cho rằng mang tính khoa học vì nguyên lý cơ bản và niềm tin của chúng không đủ để kết nối và hợp nhất những ngành khoa học. Hay nói chung, Reisch nói rằng một lĩnh vực là giả khoa học nếu như nó không thể kết nối với mạng lưới hiện tại của những ngành khoa học (Reisch 1998; cf. Bunge 1982, 379).

Tiêu chuẩn trí thức

Một cách tiếp cận khác, là tiêu chuẩn phân định ranh giới giữa hai khái niệm dựa trên giá trị nền tảng của khoa học, đưa ra bởi nhà xã hội học Robert K. Merton ([1942] 1973). Theo Merton, khoa học mang đặc điểm của một “đặc tính” (ethos), ví dụ như đời sống tinh thần – được tổng hợp lại trên bốn bộ đặc tính cơ bản. Đầu tiên là “thuyết phổ quát” cho rằng dù nguồn gốc của vấn đề là gì, sự thật nên được hình thành theo tiêu chí phi cá nhân và tránh định kiến. Điều này nghĩa là việc chấp nhận hay loại bỏ một tuyên bố nào đó không nên dựa trên ảnh hưởng cá nhân hoặc xã hội chủ quan của những người có ảnh hưởng.

Đặc tính thứ hai là tính cộng đồng – có nghĩa là những kết quả của khoa học là sản phẩm của sự hợp tác trong xã hội và vì thế thuộc về cộng đồng; thay vì được sở hữu bởi một vài cá nhân hay nhóm. Merton chỉ ra rằng nhu cầu này không phù hợp với vai trò của bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi độc quyền sử dụng cho nhà phát minh hay công ty trong khoa học. Từ “communism – chủ nghĩa cộng đồng – cộng sản” đâu đó có vẻ không phù hợp; từ “communality – tính cộng đồng” có lẽ thể hiện đúng ý của Merton hơn trong trường hợp này.

Đặc tính thứ ba, sự không vụ lợi, là một cách để kiểm soát những hậu quả của động cơ mang tính cá nhân của các nhà khoa học có thể có. Và đặc tính cuối cùng là chủ nghĩa hoài nghi có tổ chức, giải thích rằng khoa học cho phép sự kiểm soát một cách cẩn thận và kỹ lưỡng những đức tin đến từ các tổ chức/hoạt động khác. Điều này có thể sẽ khiến khoa học rơi vào mâu thuẫn với tôn giáo và những lý tưởng khác.

Merton mô tả những tiêu chí trên thuộc về phạm trù xã hội học của khoa học vì vậy nó mang tính thực tiễn về những chuẩn mực trong khoa học hơn là những lập luận thường thấy về cách khoa học nên được thực hiện như thế nào (Merton [1942] 1973, 268). Những nhà xã hội học cho rằng tiêu chuẩn của Merton bị đơn giản hóa quá mức và nó chỉ có tầm ảnh hưởng giới hạn tới những thảo luận mang tính triết học về vấn đề phân định ranh giới (Dolby 1987; Ruse 2000). Tiềm năng của chúng trong những viễn cảnh sau dường như không được tận dụng triệt để.

Cách tiếp cận đa tiêu chí

Phương pháp phân định ranh giới của Popper chỉ bao gồm một tiêu chuẩn liên quan đến khả năng phản nghiệm (mặc dù một số tác giả muốn kết hợp nó với những tiêu chuẩn khác mà việc kiểm nghiệm được thực hiện và có đem lại kết quả được chấp nhận và tôn trọng, như trong phần 4.2). Phần lớn những tiêu chí trên là tiêu chuẩn đơn, đương nhiên là đề xuất của Merton là ngoại lệ.

Những tác giả đề xuất tiêu chuẩn phân định ranh giới thay vào đó đưa ra một danh sách những tiêu chí. Một danh sách dài đã được xuất bản bao gồm (thường 5-10) nhiều tiêu chuẩn có thể được sử dụng để xác định đâu là giả khoa học hay những nghiên cứu giả khoa học. Chúng bao gồm danh sách của Langmuir ([1953] 1989), Gruenberger (1964), Dutch (1982), Bunge (1982), Radner and Radner (1982), Kitcher (1982, 30–54), Hansson (1983), Grove (1985), Thagard (1988), Glymour and Stalker (1990), Derkson (1993, 2001), Vollmer (1993), Ruse (1996, 300–306) and Mahner (2007). Rất nhiều tiêu chuẩn xuất hiện trong những danh sách trên có liên hệ mật thiếu với tiêu chuẩn được bàn luận ở mục 4.2 và 4.4. Ví dụ dưới đây là danh sách các tiêu chí dùng để nhận định một vấn đề là giả khoa học:

  1. Niềm tin vào chuyên gia: Khi cho rằng chuyên gia thì luôn đúng và có khả năng phân biệt đúng và sai. Những người khác thì phải chấp nhận sự đánh giá của họ.
  2. Những thí nghiệm không được lặp lại: Sự tin cậy ở những thí nghiệm mà không thể thực hiện lại bởi người khác để tạo ra một kết quả y hệt.
  3. Ví dụ tốt nhất: Sử dụng những ví dụ tốt nhất mặc dù chúng không đại diện cho cả một phạm trù chung trong quá trình khảo sát.
  4. Không sẵn sàng để kiểm nghiệm: Một vấn đề không được kiểm nghiệm dù có thể thực hiện điều đó.
  5. Không đề cập đến những thông tin trái chiều: Quan sát hoặc thí nghiệm có mâu thuẫn với vấn đề bị bỏ qua.
  6. Sự giả mạo có sắp đặt: Việc thử nghiệm được sắp đặt trước nên vấn đềđược xác nhận là đúng bởi kết quả có sẵn.
  7. Những lời giải thích chặt chẽ và logic bị bỏ qua mà không có gì thay thế nên những học thuyết mới không được giải thích kỹ càng so với những học thuyết trước (Hansson 1983).

Một số tác giả đề xuất việc phân định ranh giới với đa tiêu chí đã cho rằng cách tiếp cận này tiên tiến hơn so với đơn tiêu chí. Vì vậy, Bunge (1982, 372) cho rằng nhiều triết gia đã thất bại trong việc cung cấp một định nghĩa đầy đủ của khoa học vì họ chỉ cho rằng tiêu chí đã thực hiện được điều đó rồi; theo quan điểm của ông thì sự kết hợp giữa nhiều tiêu chí là cần thiết. Dupré (1993, 242) cho rằng khoa học sẽ được hiểu đúng nhất như những khái niệm tương tự Wittgensteinian. Điều này nghĩa là có tồn tại một bộ những đặc tính của khoa học, mặc dù mỗi phần của khoa học sẽ có một vài đặc tính đó, chúng ta không nên nghĩ rằng bất cứ phần nào của khoa học có tất cả những đặc tính trên.

Tuy nhiên, định nghĩa đa tiêu chí sẽ không cần thiết để biện luận sự khác biệt giữa khoa học và giả khoa học. Thậm chí nếu khoa học có thể được mô tả bởi một đặc tính thôi, các nghiên cứu giả khoa học có thể phân biệt với khoa học theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, mô tả có 7 ý được đề cập ở trên của giả khoa học được cho rằng là 7 cách chung nhất để phân biệt với tiêu chuẩn của khoa học, ví dụ như: Khoa học là việc tìm kiếm kiến thức có hệ thống nhưng sự xác minh không phụ thuộc vào một cá nhân nào mà đó là nhiệm vụ cho bất kỳ ai kiểm tra hoặc khám phá lại kiến thức đó.

Một số thuật ngữ liên quan

Giả khoa học được gọi theo nhiều thuật ngữ khác nhau, với ý nghĩa từ chê cho tới tán dương, khen thưởng. Ba thuật ngữ thường được sử dụng thường xuyên là chủ nghĩa phủ nhận khoa học, chủ nghĩa hoài nghi và sự phủ nhận những sự thật.

Chủ nghĩa phủ nhận khoa học

Một vài trường hợp giả khoa học xuất hiện với mục đích để truyền bá một học thuyết cụ thể nào đó, trong khi những các trường hợp khác có mong muốn phản bác những học thuyết khoa học hay một lĩnh vực nào đó của khoa học. Trường hợp một được gọi là truyền bá giả khoa học và trường hợp hai là chủ nghĩa phủ nhận khoa học. Một số ví dụ của truyền bá phản khoa học là cách chữa bệnh vi lượng đồng căn, chiêm tinh và những học thuyết của phi hành gia thời xưa (cho rằng người ngoài hành tinh đến Trái Đất từ xưa-nd). Thuật ngữ “phủ nhận” được sử dụng lần đầu khi đề cập đến giả khoa học là sự tàn sát của Đức quốc xã chưa bao giờ tồn tại. Cụm từ “phủ nhận sự tàn sát” xuất hiện vào đầu những năm 1980 (Gleberzon 1983). Thuật ngữ “phủ nhận biến đổi khí hậu” bắt đầu phổ biến từ năm 2005 (Williams 2005). Ví dụ khác của phủ nhận khoa học là phủ nhận thuyết tương đối, phủ nhận các bệnh liên quan đến thuốc lá, phủ nhận HIV và phủ nhận vắc-xin.

Nhiều trường hợp của giả khoa học có sự kết hợp giữa truyền bá giả khoa học với phủ nhận khoa học. Ví dụ, chủ nghĩa sáng tạo và một phiên bản chính của nó “thiết kế thông minh” được tạo dựng nên để ủng hộ thuyết học thuyết Căn nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, chủ nghĩa sáng tạo tập trung vào việc bác bỏ thuyết tiến hóa và vì thế nên nó là một dạng phổ biến của giả khoa học dưới hình thức phủ nhận.

Chủ nghĩa phủ nhận khoa học thường hoạt động bằng cách tạo ra những tranh cãi “giả”, ví dụ như có những mâu thuẫn mang tính khoa học, nhưng thực tế là không có. Đây là một chiến lược khá lâu đời, xuất hiện vào những năm 1930, với những người phủ nhận thuyết tương đối (Wazeck 2009, 268–269). Nó cũng được sử dụng bởi những người phủ nhận bệnh liên quan đến thuốc lá và được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá (Oreskes and Conway 2010; Dunlap and Jacques 2013), và hiện tại nó đạt được một số thành tựu nhất định bởi sự phủ nhận khoa học về khí hậu (Boykoff and Boykoff 2004; Boykoff 2008). Tuy nhiên, trong khi sự xuất hiện của những cuộc tranh cãi giả mạo là công cụ trong phủ nhận khoa học, nó hiếm khi được sử dụng trong việc truyền bá giả khoa học. Ngược lại, những người tiên phong của giả khoa học như chiêm tinh hay phép chữa vi lượng đồng căn có xu hướng mô tả học thuyết của họ theo đúng tiêu chuẩn của khoa học chính thống.

Chủ nghĩa hoài nghi

Thuật ngữ “chủ nghĩa hòa nghi” có ít nhất 3 mục đích sử dụng khác nhau có liên quan trực tiếp tới những lần thảo luận về giả khoa học. Đầu tiên, chủ nghĩa hoài nghi là một phương thức triết học để tạo ra những hoài nghi tới những lập luận được cho rằng là đúng, ví dụ như sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Đây là một cách thức hữu ích để điều tra một số niềm tin nhất định. Thứ hai là, sự chỉ trích của giả khoa học được gọi là chủ nghĩa hoài nghi. Đây là thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất bởi những tổ chức có nỗ lực trong việc phơi bày sự thật về giả khoa học. Cuối cùng, đối lập với sự thỏa thuận mang tính khoa học trong một vài lĩnh vực được gọi là chủ nghĩa hoài nghi. Ví dụ, những người phủ nhận khoa học về khí hậu thường gọi họ là “những người hoài nghi về khí hậu”.

Để tránh nhầm lẫn và sự khó hiểu, mục đích đầu tiên có thể được mô tả là “chủ nghĩa hoài nghi mang tính triết học”, mục đích thứ hai là “bảo vệ khoa học” và thứ ba là “phủ nhận khoa học”. Người ủng hộ hai hình thức đầu của chủ nghĩa hoài nghi được gọi là “những người hoài nghi mang tính triết học” và “người bảo vệ khoa học”. Những người ủng hộ hình thức thứ ba được gọi là “người phủ nhận khoa học”. Torcello (2016) đưa ra một thuật ngữ “chủ nghĩa giả hoài nghi” mô tả những người theo chủ nghĩa hoài nghi khí hậu.

Sự phủ nhận những sự thật

Việc không sẵn sàng chấp nhận những lập luận ủng hộ sự thật một cách mạnh mẽ là tiêu chuẩn truyền thống của giả khoa học. (Có thể xem ví dụ thứ năm trong danh sách bảy tiêu chuẩn trích dẫn trong phần 4.6.) Khái niệm “sự phản đối sự thực” được sử dụng trong những năm 90, ví dụ như by Arthur Krystal (1999, tr.8) luôn phản hồi về việc phản đối sự thực tăng dần, bao gồm như người “chỉ đơn giản là ngoan cố do thiếu hiểu biết về những chuyện mà không phải sở thích của họ”. Thuật ngữ “phản đối sự thực” được suy ra là sự ngoan cố không muốn chấp nhận những lập luận được ủng hộ dù cho nó có bắt nguồn từ khoa học hay không.

Sự thống nhất trong sự đa dạng

Kuhn quan sát thấy mặc dù tiêu chuẩn phân định ranh giới của ông và của Popper có sự khác biệt, chúng dẫn tới một kết luận tương tự là những gì thì được coi là khoa học hay giả khoa học (Kuhn 1974, 803). Sự tương thích của những bộ tiêu chuẩn khác nhau về mặt học thuyết là một hiện tượng thường thấy. Triết gia và những nhà khoa học lý thuyết khác có những quan điểm khác nhau về việc định nghĩa khái niệm khoa học. Tuy nhiên, có tồn tại một sự thống nhất trong cộng đồng lĩnh vực học thuật và kiến thức trong hầu hết những vấn đề liên quan đến việc phân định ranh giới. Có một sự đồng thuận rộng rãi, ví dụ như chủ nghĩa sáng tạo, chiêm tinh, phép chữa vi lượng đồng căn, phương pháp chụp ảnh Kirlian, dò mạch nước, việc nghiên cứu về UFO, học thuyết phi hành gia cổ đại, sự phụ nhận nạn tàn sát, thuyết tai biến Velikovskian và sự phủ nhận biến đổi khí hậu đều là giả khoa học. Có một vài điểm mâu thuẫn, ví dụ như việc phân tích tâm lý Freud, nhưng xét tổng thể thì có một sự đồng thuận chung thay vì mâu thuẫn trong vấn đề vạch ra ranh giới.

Đây có vẻ là một nghịch lý khi có sự đồng thuận trong một vài chủ đề bất chấp sự bất đồng ý kiến trong những tiêu chuẩn chung – mà sự đánh giá nên dựa vào đó. Bài toán này là một minh chứng cho thấy có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành để vạch định ranh giới rõ rang giữa khoa học và giả khoa học.

Việc nghiên cứu kỹ càng một cách triết học về khái niệm giả khoa học đã đem đến những vấn đề thú vị ngoài việc phân biệt khoa học và giả khoa học. Ví dụ như việc phân biệt giữa khoa học và tôn giáo, mối quan hệ giữa khoa học và kiến thức tin cậy nhưng không có tính khoa học (ví dụ như kiến thức hàng ngày), phạm vi của việc đơn giản hóa giáo dục khoa học và khoa học thường thức, bản chất và việc chứng minh chủ nghĩa tự nhiên trong khoa học (Boudry et al 2010) và sự có ý nghĩa hay không có ý nghĩa của một khái niệm là hiện tượng siêu nhiên. Một vài vấn đề được đề cập ở trên vẫn chưa nhận được sự chú ý nhất định.

Bài viết cùng danh mục